Cần có 3 tầng giáo dục đại học ở Việt Nam

Giáo dụcThứ Năm, 09/02/2012 02:55:00 +07:00

(VTC News)- “Sự phát triển của nền giáo dục đại học (GDĐH) đã trở thành thước đo cho sự phồn thịnh của mỗi quốc gia. Vì vậy, chúng ta phải đổi mới…”

(VTC News)- “Sự phát triển của nền giáo dục đại học (GDĐH) đã trở thành thước đo cho sự phồn thịnh của mỗi quốc gia. Vì vậy, chúng ta phải đổi mới …”. GS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐHQGHN phát biểu.


Hội thảo khoa học Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam thực trạng và giải pháp, do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 8/2 đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học trong việc phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam.
 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cùng lãnh đạo ĐHGQGHN lắng nghe các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học (Ảnh: Phạm Thịnh)


Đa số các đại biểu đều khẳng định, chất lượng GD ĐH của chúng ta rất thấp vì không đủ điều kiện đảm bảo. Hơn nữa, trong tổng số sinh viên ĐH nước ta có gần một nửa thuộc hệ không chính quy với chất lượng cực thấp.

Trong khi đó, PGS Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐHQGHN nhận xét: “Trên 400 trường ĐH là nhiều hay ít? Với quy mô các trường ĐH khổng lồ thì quá nhiều, nhưng với quy mô vụn vặt như hiện nay thì lại trở thành rất không đầy đủ. Như vậy, theo thống kê năm 2009 mới có 16,3% dân số trong độ tuổi học ĐH được học thì rất thấp. Như vậy, chúng ta không chỉ thừa thầy thiếu thợ mà thiếu cả thợ lẫn thầy”.

PGS. TS Bùi Duy Cam, hiệu trưởng Trường ĐH KHTN (ĐHQGHN) chia sẻ, năm 2010, chúng ta có 40% giảng viên có trình độ thạc sĩ, 25% tiến sĩ, phấn đấu đến 2020 có 60% trình độ thạc sĩ và 35% tiến sĩ. Rõ ràng đây là một con số rất thấp so với các nước trên thế giới.

Tại hội thảo nhiều nhà khoa học cũng đồng tình với việc phân tầng ĐH và giao thêm quyền tự chủ cho các trường để đổi mới giáo dục đại học.


GS.TS Lâm Quang Thiệp, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQGHN)
cho rằng, Việt Nam cũng nên có 3 tầng ĐH. Tầng trên cùng là các ĐH nặng về nghiên cứu. Tầng thứ hai, các trường nặng về đào tạo tuy rằng có nghiên cứu. Tầng thứ ba là các trường CĐ cộng đồng và các trường ĐH địa phương gắn với nhu cầu xã hội, thấp hơn về trình độ ĐH.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng quyền tự chủ các cơ sở GD ĐH cần được giao đồng bộ bao gồm tự chủ nguồn nhân lực; tự chủ trong các vấn đề liên quan đến tuyển sinh và quản lý sinh viên; kiểm tra đánh giá sinh viên...

GS.TS Trọng Nhuận kết luận cần một “khoán 10” trong đổi mới GDĐH ở Việt Nam để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Trao quyền “tự chủ, tự chủ trách nhiệm cao”  cho các cơ sở GDĐH theo năng lực tự chủ, chất lượng và hiệu quả hoạt động là yếu tố quan trọng nhất.

Phạm Thịnh


Bình luận
vtcnews.vn