Bộ trưởng Công an: Gia tăng tội phạm cướp ngân hàng, bắt cóc trẻ em

Tin nóngThứ Ba, 21/11/2023 10:30:00 +07:00
(VTC News) -

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, gia tăng các loại tội phạm cướp ngân hàng, tiệm vàng, bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo trên không gian mạng.

Báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, từ tháng 10/2022 đến hết tháng 9/2023, lực lượng công an cả nước đã điều tra hơn 39.000 vụ phạm tội, triệt phá hơn 600 băng, nhóm tội phạm xâm phạm trật tự xã hội.

Các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội đều được khẩn trương làm rõ.

Nhận định, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, ông Lâm thông tin, toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội về trật tự xã hội, làm 1.200 người chết, hơn 9.400 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 13.200 tỷ đồng (tăng gần 460% so với cùng kỳ).

Ngoài ra, đáng báo động nhiều loại tội phạm cũng gia tăng như giả danh mua bán nợ, đòi nợ thuê để cưỡng đoạt tài sản, cướp ngân hàng, tiệm vàng, bắt cóc trẻ em nhằm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo trên không gian mạng, chống người thi hành công vụ.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. (Ảnh: Quochoi.vn).

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. (Ảnh: Quochoi.vn).

Về án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, Bộ Công an đã điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng lớn, trong đó có 5.700 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, gần 800 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ.

Lĩnh vực thường phát sinh tội phạm là kiểm định phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch lái xe, khai thác tài nguyên, khoáng sản, quản lý tài sản công, móc ngoặc giữa chủ đầu tư, nhà thầu với đơn vị thẩm định nhằm tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản Nhà nước trong đấu thầu, đấu giá. Điển hình như vụ Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Công ty Việt Á, Công ty AIC...

Về lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, lực lượng chức năng phát hiện nhiều vụ có sự cấu kết giữa doanh nghiệp và cán bộ ngân hàng. Tội phạm trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng, gây thiệt hại tài sản lớn. Tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm diễn ra phức tạp trên địa bàn trọng điểm.

Về án ma túy, toàn ngành phát hiện 28.700 vụ, gần 45.900 đối tượng phạm tội, thu giữ 600 kg heroin, hơn 1,9 triệu viên ma túy tổng hợp, trên 5 tấn cần sa. Lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia. Bộ Công an nhận định hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ châu Âu vào Việt Nam qua đường hàng không gia tăng, nhiều đường dây vận chuyển ma túy từ Lào, Campuchia với khối lượng lớn.

Đưa ra giải pháp trong năm 2024, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh việc sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Bộ Công an cũng tăng cường quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam, quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ.

"Việt Nam sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm, nhất là nước có chung đường biên giới, đông người Việt sinh sống, làm việc, phối hợp đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm xuyên quốc gia", Bộ trưởng Lâm nhấn mạnh.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội nghe báo cáo về công tác năm 2023 của Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. 

Trong báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2023, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu bước tiến mới, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác với hơn 37.000 lượt cán bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng (tăng 86,4% so với năm 2022).

Bên cạnh đó, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, từ tháng 2/2022 đến hết tháng 4/2023, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của hơn 13.000 người, xử lý 54 người do không trung thực trong kê khai (xóa tên khỏi danh sách ứng cử, kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, cách chức…).

Cũng theo đánh giá của Chính phủ, năm 2023, việc quy trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực quản lý được thực hiện có hiệu quả. Có 39 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (tăng 105,2% so với năm 2022).

Trong số này, có 11 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, 28 người bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn