Bị siết nhưng vốn tín dụng bất động sản quý I/2020 vẫn tăng

Thị trườngThứ Tư, 10/06/2020 09:31:18 +07:00
(VTC News) -

Dù bị siết tín dụng nhưng tổng vốn tín dụng bất động sản trong 3 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 3/2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 1,23% so với cuối năm 2019, chiếm 19,31% tổng dư nợ tín dụng.

Với tổng tín dụng trong quý I/2020 ở mức 8,3 triệu tỷ đồng, tổng vốn tín dụng bất động sản trong 3 tháng đầu năm tương ứng con số 1,6 triệu tỷ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, từ năm 2018 đến nay, khi dòng vốn tín dụng đổ vào bất động sản bị siết chặt, thị trường luôn rơi vào tình trạng khát vốn. Từ cuối năm 2018, tốc độ tăng trưởng tín dụng vào bất động sản bắt đầu giảm, nguồn vốn trung và dài hạn bị cắt giảm.

Bị siết nhưng vốn tín dụng bất động sản quý I/2020 vẫn tăng - 1

Đến cuối tháng 3/2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 1,23% so với cuối năm 2019, chiếm 19,31% tổng dư nợ tín dụng.

Cụ thể, tỷ lệ dư nợ tín dụng phục vụ mục đích kinh doanh bất động sản tính đến 31/12/2017, 31/12/2018 và 31/12/2019 có xu hướng giảm dần, lần lượt là 45,63%, 35,49% và 32,95%. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm nay, tỷ lệ này tăng lên mức 37,57%.

Thực tế, vốn từ các ngân hàng hiện vẫn chiếm trên 70% tổng nguồn tiền đổ vào thị trường bất động sản.

Từ 1/1/2019, nguồn tiền này chịu tác động mạnh từ chính sách, cụ thể là quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn ở các ngân hàng giảm từ 45% xuống còn 40%, hệ số rủi ro với tín dụng bất động sản lên tới 200% từ mức 150%. Đây là mức thắt tín dụng bất động sản chặt nhất từ trước đến nay.

Dù nhiều ý kiến đánh giá tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng trong các tháng đầu năm không đáng lo, nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng nhận định, việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nguyên nhân là do quy định pháp luật đối với thị trường bất động sản còn nhiều bất cập, đặc biệt các quy định điều chỉnh đối với một số loại hình bất động sản mới.

Theo nhận định của các chuyên gia, thời gian tới, khi Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng vào bất động sản, thị trường này sẽ có thêm những nguồn vốn mới bổ sung như kiều hối, tư nhân trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn từ tư nhân nước ngoài...

Hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm tới thị trường bất động sản Việt Nam và tiếp tục đầu tư dự án vào đây. Trong khi đó, huy động vốn từ kênh FDI vẫn hiệu quả nhất, thu hút vốn từ FDI vào bất động sản luôn đứng thứ hai trong các lĩnh vực.

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn