Bác sĩ trẻ tiêu biểu: 'Đến giờ tôi vẫn chưa quên những thời khắc đen tối ấy'

Kinh nghiệm sốngChủ Nhật, 27/03/2022 07:32:00 +07:00
(VTC News) -

BS Đỗ Doãn Bách vẫn chưa thể quên thời gian chi viện cho tâm dịch TP.HCM, nhất là khoảnh khắc phải chứng kiến bệnh nhân COVID-19 qua đời.

Bác sĩ Đỗ Doãn Bách (sinh năm 1991, công tác tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội) đến giờ vẫn không nghĩ bản thân lại may mắn như vậy, khi là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021. "Món quà lớn, đánh dấu một năm không thể quên với tôi", bác sĩ Bách nói và cho biết ngay khi biết tin, anh đã thông báo với gia đình, đặc biệt là ông nội - người có ảnh hưởng lớn nhất đến anh.

Bác sĩ trẻ tiêu biểu: 'Đến giờ tôi vẫn chưa quên những thời khắc đen tối ấy' - 1

Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Doãn Bách

Bác sĩ Bách sinh ra trong gia đình truyền thống ngành Y, ông nội là GS Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, lựa chọn ban đầu của anh không phải theo nghiệp gia đình mà học ngành Giao thông Vận tải.

Năm 2009, sau khi tốt nghiệp THPT, Bách thi vào Đại học Giao thông Vận tải. Trong thời gian chờ nhập học, anh được ông nội khuyên nên suy nghĩ lại và nối nghiệp gia đình. Khi sắp sửa bước chân vào giảng đường, anh quyết định rẽ hướng, lên đường đi du học ở Đại học Y Quảng Tây (Trung Quốc).

Ông nội tôi vẫn dạy: "Là bác sĩ, điều tiên quyết là phải giàu lòng thương người, từ đó mọi hành động ắt sẽ thành công".

Bác sĩ Đỗ Doãn Bách 

Sau 6 năm học, Bách về nước để tiếp tục học thêm chuyên khoa nội và tim mạch tại Đại học Y Hà Nội. Từ năm 2017 đến nay, anh làm việc tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai.

Trong 5 năm công tác, bác sĩ trẻ tham gia nhiều chuyến đi tình nguyện để khám, sàng lọc tim bẩm sinh cho đồng bào, trẻ em vùng cao, vùng sâu. Những chuyến đi tình nguyện giúp anh kết nối được với người dân, đồng nghiệp. Điều mà các bác sĩ trẻ Doãn Bách luôn khát khao là được đến tận nơi, giúp đỡ được càng nhiều người bệnh càng tốt.

Hồi ức không quên

Tháng 8/2021, khi dịch ở TP.HCM ở đỉnh điểm, mỗi ngày Bộ Y tế ghi nhận vài chục nghìn ca mắc trong cộng đồng, các y bác sĩ cả nước xung phong lên đường tiếp sức cho mặt trận COVID-19 phía Nam. Bác sĩ Bách viết đơn tình nguyện từ tháng 6 nhưng đến lúc này mới được lên đường.

Anh nhớ như in cuộc điện thoại lúc 5h của Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai thông báo phải gấp rút lên đường vào miền Nam chi viện. Đang ở viện trong ca trực đêm, Bách tức tốc về nhà thu dọn vài bộ quần áo, đồ dùng cá nhân để lên đường, chỉ kịp dặn dò vợ con vài câu.

Đúng 8h, bác sĩ trẻ đã cùng đoàn có mặt ở sân bay làm thủ tục. "Dù chỉ có 3 giờ đồng hồ gấp rút chuẩn bị đồ đạc nhưng trước đó, tôi đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng lên đường chi viện bất cứ lúc nào", Bách nói. 

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai được phân công nhiệm vụ thành lập Bệnh viện Dã chiến số 16 tại TP.HCM. Anh phụ trách điều trị cho các bệnh nhân nặng nhất thuộc tầng 5 (trong tháp điều trị 5 tầng của TP.HCM).

Bác sĩ trẻ tiêu biểu: 'Đến giờ tôi vẫn chưa quên những thời khắc đen tối ấy' - 2

Bác sĩ Bách (ngoài cùng bên phải) làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 16 ở TP.HCM trong thời gian dịch COVID-19 căng thẳng.

Dù nắm được tình hình dịch bệnh tại TP.HCM nhưng khi bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân trực tiếp, anh thực sự thấy hoang mang. Bệnh nhân được đưa vào liên tục, chuông điện thoại nhiều không ngừng, tiếng xe cấp cứu chạy suốt trên đường. Hầu hết họ được đưa vào khu điều trị tầng 5 không rõ tên, địa chỉ vì họ đều được xe cấp cứu đưa đến trong tình trạng hôn mê, an thần, thở máy.

Mỗi ngày làm việc liên tục 8 tiếng trong khu điều trị, Bách cùng các bác sĩ luôn trong tình trạng căng mình để chăm sóc, điều trị và cố gắng cứu bệnh nhân hết sức có thể. Mỗi lần chứng kiến bệnh nhân vượt qua nguy kịch, sức khỏe tốt hơn, các bác sĩ cảm thấy nhẹ nhõm, an lòng khi tan ca.

Thế nhưng, trong suốt quãng thời gian cùng các bệnh nhân chống chọi với dịch COVID-19, chỉ 2 bệnh nhân trong khu điều trị của Bách qua khỏi, còn lại đều tử vong, ngày nhiều nhất là 5 - 6 người. Sự sống quá mong manh khiến Bách và các bác sĩ đều ám ảnh.

"Chứng kiến những cái chết trong gang tấc, nhiều bác sĩ trẻ như tôi không tránh khỏi stress, nhưng thời gian không cho phép chúng tôi dừng lại hay gục ngã, vì nhiều bệnh nhân COVID-19 khác vẫn đang chờ 

Bác sĩ Đỗ Doãn Bách 

Số bệnh nhân tử vong cao không phải do năng lực y bác sĩ hạn chế mà vì diễn biến lâm sàng của bệnh nhân COVID-19 rất nhanh, chỉ vài giờ đồng hồ có thể chuyển xấu và không thể cứu chữa. Hầu hết các bệnh nhân tầng 5 đều có bệnh lý nền ung thư, suy thận, tỷ lệ sống gần như chỉ vài phần trăm. "Cho đến giờ, tôi vẫn chưa quên những thời khắc đen tối ấy. Những trải nghiệm thực tế này quá đắt giá", Bách nói.

Hơn 2 tháng ở TP.HCM chống dịch, giây phút thoải mái nhất của bác sĩ Bách là hoàn thành một "tour" trực mà không bệnh nhân nào tử vong. "Giây phút ấy, tôi cảm nhận được cuộc sống của mình rất có ích", bác sĩ trẻ kể lại.

Xây dựng mạng lưới đồng hành cùng F0

Song song với công tác điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Dã chiến số 16, bác sĩ Đỗ Doãn Bách cũng vận hành Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, trực tiếp gọi điện hỗ trợ các bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà.

Kể từ khi tham gia chống dịch, nhiều bệnh nhân biết số điện thoại của bác sĩ Bách nên chủ động gọi điện đến nhờ tư vấn trực tiếp, người quen cũng gọi xin tư vấn. Vì thế điện thoại của anh không lúc nào ngừng đổ chuông. Anh thừa nhận có những thời điểm tiếng chuông điện thoại đổ dồn đến ám ảnh. 

"Nhưng các lần trò chuyện, tư vấn được cho F0 giúp tôi lấy lại tinh thần, tiếp tục công việc giúp đỡ bệnh nhân. Bây giờ thì không có tình huống nào khiến tôi lo lắng quá mức nữa, quãng thời gian ở TP.HCM giúp tôi rút ra được rất nhiều kinh nghiệm quý giá", 9X nói.

Bác sĩ Đỗ Doãn Bách là một trong những người lên ý tưởng và xây dựng mạng lưới này ở thời điểm dịch COVID-19 cả nước căng thẳng nhất.

Bác sĩ trẻ tiêu biểu: 'Đến giờ tôi vẫn chưa quên những thời khắc đen tối ấy' - 3

Bác sĩ Bách thường xuyên tình nguyện đến các huyện nghèo khám chữa bệnh cho trẻ em, người dân nghèo.

Mục tiêu của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành là cố gắng tạo công cụ để làm sao tất cả bác sĩ trên cả nước đều có thể hỗ trợ được các tỉnh, thành phía nam bị quá tải y tế thời điểm đó. Mạng lưới sẽ tiếp cận được những bệnh nhân F0 để tư vấn, làm giảm sự hoang mang, lo lắng của người bệnh và sàng lọc những trường hợp nào thực sự cần phải vào viện.

Nhiều người thời điểm đó tâm lý rất hoang mang, lo lắng khi mắc bệnh. Chỉ cần nhân viên y tế gọi điện tư vấn, sàng lọc bệnh là họ yên tâm. Đó cũng là nhiệm vụ của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đặt ra.

Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành được ví như "trận chiến trên mây". Các bác sĩ và bệnh nhân không biết mặt nhau, họ chỉ nghe thấy tiếng của nhau qua điện thoại. Các bác sĩ cũng chỉ mong một ngày gọi điện tư vấn được càng nhiều ca bệnh càng tốt, để người dân lấy lại niềm tin, bình tĩnh, không còn hoảng loạn.

Chỉ tính riêng trong đợt bùng phát dịch COVID-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam (từ tháng 7-10/2021), Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành huy động hơn 10.000 bác sĩ và tình nguyện viên trên khắp cả nước tham gia tư vấn từ xa cho hàng nghìn trường hợp F0 gặp khó khăn trong giai đoạn cao điểm này của dịch bệnh, chiếm 42% số bệnh nhân cả nước. Riêng Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành tại tỉnh Bình Dương do bác sĩ Bách trực tiếp điều hành hỗ trợ được khoảng 90.000 bệnh nhân.

Bác sĩ trẻ tiêu biểu: 'Đến giờ tôi vẫn chưa quên những thời khắc đen tối ấy' - 4

Bác sĩ Bách được vinh danh Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu 2021.

Đến nay, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đang được chuyển giao cho Bộ Y tế và bắt đầu bàn giao cho Sở Y tế của các địa phương tiếp quản như TP.HCM, Cần Thơ, Bình Dương, Đà Nẵng, Hà Nội. Là một trong những thành viên sáng lập và vận hành Mạng lưới này, Ths.BS Đỗ Doãn Bách hy vọng, đây sẽ là tiền để phát triển thành mạng lưới Thầy thuốc gia đình, góp phần nâng cao chất lượng y tế cơ sở, góp phần giải quyết hiệu quả tình trạng quá tải trong các bệnh viện Trung ương.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp