8.000 công nhân bị cách ly, Than Khoáng sản Việt Nam lo sản xuất đình trệ

Đầu TưThứ Ba, 02/02/2021 13:40:00 +07:00
(VTC News) -

Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, việc có số lượng lớn công nhân cách ly sẽ dẫn đến nguy cơ đình trệ sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, doanh nghiệp.

Đánh giá về kịch bản tăng trưởng trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, ông Trần Tuấn Anh - bộ trưởng Bộ Công Thương đã báo cáo nhanh về kịch bản tăng trưởng năm 2021 và tình hình thị trường, hàng hoá phục vụ cho Tết Tân Sửu 2021.

Đối với kịch bản tăng trưởng, Bộ trưởng Công Thương cho biết, Bộ đã xây dựng kế hoạch hành động, xây dựng kịch bản cho năm 2021 trên các lĩnh vực công nghiệp – thương mại, trên cơ sở các mục tiêu đặt ra cũng như kết quả tăng trưởng thời gian qua.

8.000 công nhân bị cách ly, Than Khoáng sản Việt Nam lo sản xuất đình trệ - 1

 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Về thị trường quốc tế, những biến động mới của thị trường Mỹ cũng như biến động chung của thị trường quốc tế thời gian gần đây đã tạo điều kiện thuận lợi, cũng như mở ra cơ hội mới để chúng ta tận dụng, phục hồi và phát triển.

"Dù vậy, chúng ta cũng không thể chủ quan, bởi bối cảnh dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể tác động đến các hoạt động thương mại và công nghiệp sản xuất kinh doanh" - Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh.

Ông dẫn chứng, hiện nay Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có đến 8.000 công nhân đang phải cách ly tại nhà bởi dịch bệnh COVID-19. 

"Nếu dịch bệnh không nhanh chóng được khống chế mà tiếp tục lan rộng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người lao động và nguy cơ bị đình trệ sản xuất kinh doanh của các tập đoàn. Về lâu dài, nguy cơ này sẽ ảnh hưởng đến cả hoạt động thương mại quốc tế của chúng ta", Bộ trưởng Tuấn Anh nhận định.

Về vấn đề bình ổn thị trường, nguồn cung hàng hóa, công tác chuẩn bị Tết đã được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh triển khai sớm. Nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào.

"Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, hoạt động chăn nuôi, nhất là chăn nuôi hộ gia đình bị giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh tả lợn châu Phi, tuy nhiên các địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động tìm kiếm nguồn hàng, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp chăn nuôi hoặc có kế hoạch nhập khẩu nhằm bảo đảm cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán.

Tại các địa phương mới phát hiện các ca nhiễm COVID-19 như Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng... đều đảm bảo nguồn hàng hóa đầy đủ, giá cả ổn định phục vụ người dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu", Bộ trưởng Công Thương thông tin.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn