1 năm thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi: Kinh doanh chộp giật ngày càng ít

Thị trườngThứ Sáu, 15/03/2024 14:22:00 +07:00
(VTC News) -

Những hình thức kinh doanh chộp giật, thiếu minh bạch, sản xuất hàng hóa kém chất lượng ảnh hưởng đến người tiêu dùng sẽ dần bị loại bỏ.

Đó là nhận định của ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội tại lễ phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”.

Theo ông Thi, sau gần 2 năm tiến hành sửa đổi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với việc tăng thêm quyền cho người tiêu dùng, gắn chặt với bảo đảm môi trường kinh doanh, bảo vệ lợi ích của người sản xuất, phân phối hàng hóa.

Ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội. (Ảnh: Ngô Nhung)

Ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội. (Ảnh: Ngô Nhung)

Với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), các quy định pháp lý đã cụ thể hơn, chi tiết hơn, do đó khi luật có hiệu lực sẽ đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng chặt chẽ hơn. Đồng thời các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng nhận thức được rằng những hình thức kinh doanh chộp giật, thiếu minh bạch sẽ dần dần bị loại bỏ.

Khi luật được phổ biến cặn kẽ hơn, người tiêu dùng cũng sẽ mạnh dạn hơn trong việc lên tiếng và với sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội cũng như chính doanh nghiệp và người tiêu dùng, chắc chắn bức tranh xã hội về bảo vệ người tiêu dùng sẽ khởi sắc hơn", ông Thi nhấn mạnh.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cho rằng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; bổ sung nhiều quy định để bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh, trong đó, nhiều quy định mang tính dấu ấn, lần đầu xuất hiện trong hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dung.

Theo Thứ trưởng, một trong những quy định tại Luật năm 2023 có nhiều ý nghĩa đối với người tiêu dùng và công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là việc tiếp tục quy định lấy ngày 15/3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Các đại biểu phát động ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam. (Ảnh: Ngô Nhung)

Các đại biểu phát động ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam. (Ảnh: Ngô Nhung)

“Việc quy định về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại Luật không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn để huy động sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, ông Tân nói.

Doanh nghiệp phải đồng hành bảo vệ người tiêu dùng

Với vai trò là doanh nghiệp kết nối, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện Tik Tok Việt Nam cho biết, không chỉ là trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp hàng hoá, sản phẩm, chính quyền, các cấp ngành mà các doanh nghiệp nền tảng mạng xã hội cũng phải đồng hành để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Làm sao để giúp hàng hóa có thể không phải là hàng nhái, không phải là hàng giả nhưng hàng hóa phải thực chất, không bị người bán hàng nói quá trên nền tảng mạng xã hội. Để bảo vệ người tiêu dùng, Tik Tok Việt Nam sẽ xử phạt người bán hàng, nhà cung cấp hàng hoá bị nói quá lên trên nền tảng của mình từ 100 - 200% giá trị sản phẩm cung cấp để họ quảng cáo hàng một cách chính xác với công dụng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm”, ông Thanh nói.

Trong khi đó, ông Lương Đăng Ninh, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Lạng Sơn nêu quan điểm: Việc quảng cáo trên không gian mạng đang đem lại nhiều tiện ích nhưng có nhiều hạn chế bới sự kinh doanh thiếu chung thực và người tiêu dùng dễ bị lợi dụng, dễ bị tổn thương, nhất là ở những địa phương có tỷ lệ người dân là đồng bào dân tộc, miền núi như ở Lạng Sơn.

Do vậy cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm không chỉ của các cơ quan chức năng, mà của cả doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp cung ứng nền tảng mạng xã hội.

Trả lời VTC News, ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nêu quan điểm: “thông tin minh bạch” vẫn là vấn đề cấp thiết hiện nay, các đơn vị sản xuất kinh doanh cần ý thức tính quan trọng của nó để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Cùng với đó, người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo để “tiêu dùng an toàn”, tự bảo vệ quyền lợi của mình. Trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, bản thân doanh nghiệp và người tiêu dùng mới là chủ thể quan trọng và giữ vai trò quyết định. Cần nhận thức được rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là cơ sở để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững.

Cụ thể, phía doanh nghiệp cần đề cao trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để người tiêu dùng có thể đưa ra các quyết định đúng và an toàn. Bên cạnh đó là chú trọng cải tiến các dịch vụ truyền thống, củng cố và phát triển hệ thống phân phối; nghiên cứu xây dựng hệ thống, kênh bán hàng mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

“Khi việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo, doanh nghiệp mới có thể chiếm lĩnh được niềm tin, nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó nâng cao uy tín doanh nghiệp và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh”, ông Trung khẳng định.

Về phía người tiêu dùng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, cần có ý thức tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình; cẩn trọng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ. Đặc biệt, người tiêu dùng cần mạnh dạn lên tiếng đề xuất, khiếu nại khi gặp vấn đề bị xâm hại quyền lợi để tham gia góp phần phát hiện, xử lý và xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh.

Các cá nhân được nhận bằng khen của Bộ Công Thương. (Ảnh: Ngô Nhung).

Các cá nhân được nhận bằng khen của Bộ Công Thương. (Ảnh: Ngô Nhung).

Dịp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký quyết định trao tặng bằng khen cho 3 tập thể và 10 cá nhân đã có thành tích trong công tác bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn