Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Việc cộng điểm ưu tiên tạo ra bất cập điểm chuẩn xấp xỉ 30

Tuyển sinhThứ Bảy, 24/09/2022 18:06:44 +07:00
(VTC News) -

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chỉ ra nguyên nhân khiến tình trạng điểm chuẩn một số ngành học xấp xỉ 30 điểm, cao hơn điểm thi tốt nghiệp của thủ khoa các khối.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, mặt bằng điểm chuẩn năm nay không cao và có sự phân hóa mạnh. Có những ngành điểm chuẩn tăng cao nhưng cũng có ngành điểm chuẩn giảm rất nhiều.

Nhiều ngành chỉ tiêu ít nhưng số lượng thí sinh đăng ký đông thì điểm chuẩn cao. Đặc biệt những ngành nhu cầu xã hội nhiều như Công nghệ thông tin, Kinh tế, Quản lý…có điểm chuẩn lúc nào cũng cao chứ không riêng gì năm nay. Gần đây một số ngành Khoa học xã hội, Sư phạm điểm chuẩn tăng lên thì cũng có lý do như sư phạm được hỗ trợ học phí, nhu cầu xã hội tăng…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Việc cộng điểm ưu tiên tạo ra bất cập điểm chuẩn xấp xỉ 30 - 1

Top 10 ngành học điểm chuẩn cao nhất năm 2022.

Theo ông Sơn, vấn đề cần bàn ở đây là vì sao điểm chuẩn cao đến mức vượt trên cả mức điểm thủ khoa các khối đạt được. Điều này Bộ GD&ĐT đã phân tích và cảnh báo từ trước.

Một trong những lý do đó là chính sách cộng điểm ưu tiên chưa thực sự công bằng đối với những ngành có tính cạnh tranh cao. Những ngành có nhiều thí sinh đăng ký nhưng chỉ tiêu ít thì khi điểm chuẩn bị đẩy lên cao như vậy rõ ràng điểm cộng ưu tiên dù là 0,1 – 0,2 đã rất quan trọng, chưa nói tới việc có thể được cộng tối đa tới 2,75 điểm/thí sinh.

"Bộ GD&ĐT đã dự thảo điều chỉnh việc cộng điểm ưu tiên và nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Sau khi tính toán chúng ta có sự thống nhất là sự điều chỉnh này cần có một độ trễ nhất định nên việc áp dụng sẽ từ năm 2023. Nếu áp dụng ngay từ năm 2022 chắc chắn sẽ không có hiện tượng điểm chuẩn cao đến vậy", ông Sơn nói.

Một vấn đề nữa là với ngành có điểm chuẩn cao, một thí sinh đạt 29,5 điểm và một thí sinh đạt 29,6 điểm liệu có tạo ra sự khác biệt lớn về chất lượng thí sinh hay không?

Ông Sơn thông tin, kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây được thiết kế để làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT chứ không phải là kỳ thi THPT quốc gia như trước nữa. Nó đáp ứng yêu cầu đánh giá kết quả học tập thí sinh sau 12 năm học, trong đó tập trung đánh giá kiến thức, năng lực cấp THPT, đặc biệt lớp 12 làm căn cứ để xét tốt nghiệp. Kỳ thi cũng nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh, phương pháp, chất lượng dạy của các trường, các địa phương.

"Dù muốn hay không kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn có thể sử dụng làm căn cứ để xét tuyển. Thực tế hiện nay nhiều trường còn sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác như xét tuyển học bạ nên việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ xét tuyển cũng là điều hết sức bình thường", ông Sơn nói.

Tuy nhiên, với những ngành tính cạnh tranh cao, việc sử dụng kết quả học bạ hay kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể chưa đảm bảo tính phân loại. Điều này dẫn tới hiện tượng chênh lệch điểm chỉ 0,1- 0,2 và chênh lệch này chưa nói lên nhiều về sự phân hóa trình độ thí sinh. Đồng thời chưa đảm bảo công bằng hoặc lựa chọn được thí sinh thực sự phù hợp với những ngành có sự cạnh tranh cao, những ngành có tính chuyên biệt về năng lực, kỹ năng…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Việc cộng điểm ưu tiên tạo ra bất cập điểm chuẩn xấp xỉ 30 - 2

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT.

Hiện nay, một số trường đại học đã xét tuyển dựa trên những kỳ thi đánh giá năng lực; Xét tuyển kết hợp phỏng vấn…Với những ngành có tính cạnh tranh cao, đòi hỏi năng lực chuyên biệt, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường tổ chức kỳ thi bổ sung hay có phương pháp, phương thức xét tuyển đảm bảo tính phân loại cao hơn, đánh giá năng lực chuyên biệt tốt hơn.

20 phương thức xét tuyển khó đảm bảo công bằng?

Liên quan việc các trường đại học đưa ra nhiều phương thức xét tuyển, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thừa nhận, khi các trường mở rộng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, đặc biệt là những phương thức xét tuyển sớm dựa trên kết quả học tập THPT (học bạ), xét tuyển kết hợp…sẽ khó đảm bảo sự công bằng tương đối chứ chưa nói đến sự tuyệt đối.

Những điều này đã được Bộ GD&ĐT cảnh báo và đưa vào quy chế năm 2022 là yêu cầu giữa các phương thức, hình thức xét tuyển phải đảm bảo sự công bằng; việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức phải phù hợp và các cơ sở đào tạo phải giải trình được lý do phân bổ chỉ tiêu cũng như quyết định điều kiện trúng tuyển của các phương thức.

Các trường phải đánh giá được việc xét tuyển đầu vào với chất lượng học tập của sinh viên sau này như thế nào để từ đó có sự điều chỉnh. Bộ GD&ĐT cũng sẽ phân tích dữ liệu để chỉ ra sự bất hợp lý.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng nhận thấy, đối với những phương thức xét tuyển sớm nếu các trường đặt ra chuẩn đầu vào cao thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu xét tuyển sớm mà chuẩn đầu vào không cao bằng hoặc thấp hơn xét tuyển sau thì thí sinh sẽ bị thiệt thòi cũng như tạo ra sự chênh lệch giữa các phương thức xét tuyển.

"Vì vậy tôi khuyến cáo sau khi phân tích dữ liệu, các trường cần có sự cân nhắc để các phương thức xét tuyển không có sự chênh lệch lớn hay là có sự bất thường", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết thêm, với phương thức xét tuyển kết hợp các chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế hay năng lực ngoại ngữ quốc tế…điều này tùy thuộc vào từng ngành, từng lĩnh vực và yêu cầu của mỗi trường. Bộ chỉ yêu cầu trong quy chế là các trường phải giải trình được việc sử phương thức xét tuyển này có đánh giá được năng lực hay sự phù hợp của thí sinh đối với ngành học, chương trình học đấy hay không?

Thứ hai là có đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển hay không? Trường phải giải trình với xã hội, với người học điều này. Bộ GD&ĐT cũng sẽ phân tích dữ liệu, chỉ ra những trường hợp bất hợp lý một cách rõ ràng và sẽ làm việc với từng trường.

Còn với từng ngành, từng trường việc đưa ra phương thức tuyển sinh thế nào là quyền tự chủ các trường.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính từ ngày 18 đến 23/9, khoảng 80% thí sinh trúng tuyển đợt 1 đã xác nhận nhập học lên hệ thống tuyển sinh chung và các trường đại học.

Theo quy định, từ ngày 18/9 đến trước 17h ngày 30/9, thí sinh phải xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống. Thí sinh trúng tuyển không thực hiện quy trình này coi như từ chối cơ hội học tập.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn