Nữ tiến sỹ lộ điểm thi đại học lẹt đẹt

Tin tức - Sự kiệnThứ Tư, 04/05/2022 14:31:00 +07:00
(VTC News) -

Nữ tiến sỹ Đại học Bắc Kinh hứng hàng loạt chỉ trích từ dư luận Trung Quốc sau khi điểm thi đại học của cô này rò rỉ trên mạng xã hội.

Mei Zhen, nữ tiến sỹ Đại học Bắc Kinh trở nên nổi tiếng sau khi xuất hiện trong chương trình truyền hình thực tế về tìm kiếm việc làm của Trung Quốc. 

Ngoại hình cao ráo, ưa nhìn cùng bằng cấp "khủng" khiến Mei trở thành hình tượng của rất nhiều người. Tuy nhiên, sau khi thông tin về trình độ học vấn bị công khai trên mạng xã hội, cô bị công kích gay gắt. 

Mei chỉ dành được 400/750 điểm. Số điểm này thường chỉ đủ đỗ vào một trường cao đẳng hoặc đại học ít danh tiếng của Trung Quốc. 

Nữ tiến sỹ lộ điểm thi đại học lẹt đẹt - 1

Mei Zhen hứng loạt chỉ trích sau khi bị lộ điểm thi đại học. (Ảnh: Sohu)

Thay vì tiếp tục con đường học tập tại quê nhà, Mei Zhen sang Australia nhập cư và học đại học Bond. 

Sau khi tốt nghiệp, cô trở về Trung Quốc với tư cách sinh viên nước ngoài. 

Thông thường, rất khó để trở thành tiến sỹ của Đại học Bắc Kinh - một trong những đại học danh giá bậc nhất của Trung Quốc. Nhưng với các sinh viên nước ngoài, yêu cầu sẽ bớt khắt khe hơn.

Nhiều cư dân mạng vì thế tỏ ra bất bình với trường hợp của Mei. 

"Một người chỉ thi được 400 điểm trong kỳ thi Cao khảo, không thể vào được các trường đại học trọng điểm trong nước nhưng lại có thể học lấy bằng tiến sỹ của Đại học Bắc Kinh. Thật nực cười", một người bình luận. 

Hồi tháng 7/2021, dân mạng Trung Quốc tiếp tục xôn xao sau khi tên của Mei xuất hiện trong danh sách giảng viên của Đại học Chính Pháp Hoa Đông. 

Trước sức ép quá lớn từ dư luận, Mei cho biết cô đã bỏ việc. 

Theo Sohu, nữ tiến sỹ của Đại học Bắc Kinh là trường hợp điển hình phản ánh kẽ hở trong tuyển sinh của các trường đại học Trung Quốc. 

Trong nhiều thập kỷ trở lại đây, yêu cầu tuyển chọn sinh viên quốc tế của một số trường đại học Trung Quốc thường không quá cao và thường có sự chênh lệch nhất định giữa sinh viên quốc tế và sinh viên "bản địa" theo học cùng một chương trình của cùng một trường. 

Sohu cho rằng, các trường đại học và cao đẳng của Trung Quốc nên đối xử bình đẳng với tất cả các sinh viên, tránh ưu ái quá nhiều đối với các sinh viên ngoại quốc. 

Diệu Hoa(Nguồn: Sohu)
Bình luận
vtcnews.vn