Bí thư Hà Nội: Ùn tắc giao thông, úng ngập chưa được khắc phục triệt để

Tin nóngThứ Ba, 05/07/2022 11:09:29 +07:00
(VTC News) -

Ông Đinh Tiến Dũng chỉ ra những hạn chế chưa được Hà Nội khắc phục như ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, thu gom rác thải chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ngày 5/7, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc kỳ họp thứ 7 để xem xét, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng của Thành phố còn nhiều tồn tại, hạn chế lâu nay chưa được khắc phục triệt để.

Bí thư Hà Nội lấy ví dụ như ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, nước thải, công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu bền vững, rác thải tại một số khu vực nông thôn còn chưa được thu gom và xử lý triệt để, việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn, các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt/cụm công nghiệp/làng nghề chậm tiến độ.

Ông Đinh Tiến Dũng cũng chỉ ra tình trạng vi phạm quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng; việc quản lý các công trình nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc có giá trị tại khu vực nội đô lịch sử, công tác quản lý tài sản công trên địa bàn còn nhiều bất cập. Việc sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất, nhất là các cơ sở nhà, đất của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp do Trung ương và địa phương khác quản lý trên địa bàn Thủ đô vẫn còn chậm…

Bí thư Hà Nội: Ùn tắc giao thông, úng ngập chưa được khắc phục triệt để - 1

Bí thư Đinh Tiến Dũng phát biểu tại kỳ họp

Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu có thể phấn đấu đạt cao hơn. Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn mức chung của cả nước và thấp hơn so với kỳ vọng. Đến nay Thành phố còn 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, đó là số trường công lập đạt chuẩn quốc gia (hiện đạt 73 trường, theo kế hoạch là 80 trường). Số doanh nghiệp thành lập mới giảm 10%, số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 13%) và đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 51%). CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,25% - cao hơn khá nhiều mức tăng cùng kỳ 2021 (tăng 1,14%) gây áp lực lên mục tiêu năm 2022 là kiểm soát lạm phát dưới 4%. Cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính, thu hút đầu tư còn chậm.

Bên cạnh sự cải thiện xếp hạng của Chỉ số PAPI và Chỉ số SIPAS, các chỉ số PCI giảm 1 bậc, PAR Index giảm 02 bậc so với năm 2020.

Người đứng đầu Thành uỷ nhắc lại, tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội thông qua và ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với tỷ lệ thống nhất rất cao (95,18%).

"Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và rất cấp bách, góp phần mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, tạo điều kiện kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường. Đường Vành đai 4 sẽ tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, đảm bảo an ninh quốc phòng không những đối với Thành phố Hà Nội và các tỉnh có đường vành đai đi qua mà còn thúc đẩy phát triển của các tỉnh trong vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước", ông Dũng nói.

Bí thư Hà Nội cho biết, Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gồm 15 thành viên, do Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban chỉ đạo. Đồng thời chỉ đạo hoàn chỉnh để ban hành quy chế làm việc, quyết định phân công nhiệm vụ, quy trình về kiểm tra, giám sát, chương trình công tác 6 tháng cuối năm của Ban chỉ đạo… để nhanh chóng, kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cũng theo ông Đinh Tiến Dũng, kỳ họp lần này sẽ xem xét, quyết định rất nhiều nội dung quan trọng, là cơ chế chính sách để Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp là cơ hội để Thành phố được tiếp thu những ý kiến đóng góp của cử tri và nhân dân Thủ đô, từ đó đưa ra những giải pháp tích cực, phù hợp, thích ứng trong tình hình mới.

Minh Tuệ
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp