Xứng tầm trụ cột quản lý hải quan hiện đại

Chính sách thuế và cuộc sốngThứ Sáu, 30/07/2021 15:15:00 +07:00
(VTC News) -

Năm 2021, lực lượng kiểm tra sau thông quan tiếp tục là đơn vị chủ công ngành hải quan trong thanh kiểm tra chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa.

Từ đầu năm 2021 đến nay, dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 song lực lượng kiểm tra sau thông quan toàn quốc nỗ lực cố gắng, tập trung triển khai đồng bộ công tác kiểm tra sau thông quan đạt hiệu quả cao.

Tăng cường kiểm tra, phát hiện loạt vi phạm

Từ đầu năm, ngành Hải quan đã xây dựng kế hoạch định hướng đấu tranh chống gian lận về xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp hàng xuất khẩu vào EU và Ấn Độ, đặc biệt tập trung thêm vấn đề vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng nhái, hàng giả… hay loại hình gia công các nhóm hàng có kim ngạch tăng đột biến. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm tra sau thông quan tiếp tục thu thập số liệu doanh nghiệp phục vụ các chuyên đề đối với các mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm.

Báo cáo cho thấy, 7 tháng đầu 2021, toàn ngành hải quan thực hiện hậu kiểm 1.062 cuộc, trong đó có 264 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 798 cuộc tại trụ sở cơ quan hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính 7 tháng là 500,2 tỷ đồng, đã thực thu vào Ngân sách Nhà nước gần 455 tỷ đồng.

Ngoài thực hiện các cuộc kiểm tra trực tiếp, lực lượng kiểm tra sau thông quan còn chú trọng mở rộng và hoàn thiện kế hoạch định hướng kiểm tra sau thông quan theo các chuyên đề; xây dựng kế hoạch định hướng đấu tranh chống gian lận về xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu.

Theo Tổng cục Hải quan, những tháng cuối năm, ngành hải quan sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan, tập trung vào các doanh nghiệp có rủi ro cao, mặt hàng trọng điểm có giá trị lớn, thuế suất cao; tập trung hoàn thiện phương án sửa đổi quy trình kiểm tra sau thông quan theo cho phù hợp với thực tế triển khai, gắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, đúng quy định pháp luật; triển khai các đoàn kiểm tra sau thông quan theo kế hoạch đề ra trong trường hợp tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát.

Tổng cục Hải quan cũng tiếp tục xây dựng kế hoạch định hướng đấu tranh chống gian lận về xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp hàng xuất khẩu vào EU và Ấn Độ, đặc biệt tập trung vào vấn đề vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng nhái, hàng giả trong bối cảnh thực thi Hiệp định TRIPS và nghiên cứu sâu vào loại hình gia công các nhóm hàng có kim ngạch tăng đột biến.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, tổng hợp phân tích thông tin, kịp thời đưa ra cảnh báo chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tập trung kiểm tra, chống các hành vi gian lận xuất xứ, giả mạo xuất xứ, nhãn mác, chuyển tải bất hợp pháp có hiệu quả...

Đặc biệt, lực lượng sau thông quan tập trung thanh tra, kiểm tra vào các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường là Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và có nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Từ kết quả đấu tranh chống gian lận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng để hoàn thiện các chính sách, quy định của Nhà nước đối với xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

Chuyển biến về chất trong công tác kiểm tra sau thông quan

Một trong những kết quả nổi bật của lực lượng kiểm tra sau thông quan trong thời gian vừa qua là làm tốt vai trò chủ công trong đấu tranh với các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa. Thông qua kết quả kiểm tra, các đơn vị đã phát hiện, xử lý hàng chục vụ vi phạm, truy thu nộp ngân sách hàng chục tỷ đồng.

Hiệu quả đấu tranh với hành vi vi phạm về xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp không chỉ chống thất thu ngân sách, mà đó là việc bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ, phát triển sản xuất trong nước; góp phần tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do.

Thông qua đó, nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng được nâng cao để ngăn chặn từ xa các hành vi vi phạm; cộng đồng doanh nghiệp được cảnh báo về các nguy cơ vi phạm dễ mắc phải để chủ động phòng tránh, bảo đảm tuân thủ các quy định của Việt Nam thể hiện qua việc sau khi phát hiện sai phạm, doanh nghiệp đã đầu tư đầy đủ hệ thống máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất để đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam.

Để có được sự chuyển biến và kết quả tích cực nêu trên, thời gian qua lực lượng kiểm tra sau thông quan đã tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều nội dung theo chỉ đạo của Tổng cụ Hải quan. Cụ thể, tiếp tục triển khai đưa tư duy và phương pháp điều tra vào trong công tác kiểm tra sau thông quan; rà soát thực hiện thống nhất thẩm quyền ký quyết định kiểm tra sau thông quan, xử lý kết quả kiểm tra, xử lý khiếu nại, cách thức thực hiện kiểm tra sau thông quan trong toàn quốc; hoàn thành đề cương quy trình sửa đổi, bổ sung quy trình kiểm tra.

Xứng tầm trụ cột quản lý hải quan hiện đại - 1

Ngoài ra lực lượng kiểm tra sau thông quan đã hoàn thành việc xây dựng chương trình đào tạo cho lớp học nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan dành cho cán bộ công chức mới của cục; tiếp tục xây dựng tài liệu hướng dẫn về công tác xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại; kế hoạch định hướng chuyên đề phế liệu nhập khẩu để triển khai đào tạo cho cán bộ công chức trong lực lượng kiểm tra sau thông quan toàn ngành.

Tổng cục Hải quan tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai công tác xây dựng bài toán nghiệp vụ về hệ thống hải quan thông minh, chủ động xử lý các vướng mắc phát sinh và triển khai các biện pháp quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Tổng cục Hải quan cũng đã cải tiến phương pháp quản lý, kiểm soát công việc trong quá trình kiểm tra sau thông quan theo mô hình 3 cấp (đoàn kiểm tra; lãnh đạo chi cục; lãnh đạo cục phụ trách, người giải quyết cuối cùng là cục trưởng). Việc cải tiến công tác quản lý theo mô hình này qua kiểm chứng thực tiễn đã phát huy tính ưu việt: không để phát sinh nợ đọng thuế khi tiến hành kiểm tra sau thông quan; không phát sinh khiếu nại, khiếu kiện khi ấn định thuế.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả kiểm tra sau thông quan

Nhằm phát huy vai trò quan trong của công tác kiểm tra sau thông quan, đáp ứng yêu cầu của hội nhập, phát triển thương mại quốc tế, trong thời gian tới Tổng cục Hải quan cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện quy trình kiểm tra sau thông quan, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và cơ cấu lại lực lượng cán bộ, công chức kiểm tra sau thông quan và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra sau thông quan.

Lực lượng kiểm tra sau thông quan cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn hải quan các địa phương trong công tác kiểm tra sau thông quan, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các yếu kém, vướng mắc.

Cục Hải quan các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo sát sao, bố trí đủ số lượng cán bộ có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan, xử lý nghiêm cán bộ thực hiện không đúng quy định, quy trình kiểm tra sau thông quan gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp.

Khi kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan, cần chú trọng thu thập thông tin, phân tích rủi ro, kiểm tra đánh giá việc tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn; các lĩnh vực, mặt hàng, nhóm mặt hàng có rủi ro cao và những doanh nghiệp chưa được thực hiện kiểm tra sau thông qua. Tập trung nghiên cứu phân tích thông tin, đưa ra các giải pháp đẩy mạnh hoạt động kiểm tra sau thông quan các lĩnh vực còn chưa đáp ứng yêu cầu như xuất xứ hàng hóa, tạm nhập tái xuất...

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn