Xuất hiện nhiều xu hướng đầu tư biến rủi ro thành cơ hội

Doanh nhân tự giới thiệuThứ Bảy, 12/06/2021 14:30:50 +07:00
(VTC News) -

Forbes dẫn nhận định của tỷ phú Mai Vũ Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị của SAPA Thale group, rằng dịch COVID có thể giúp các nhà đầu tư biến rủi ro thành cơ hội.

Đại dịch COVID-19, nền kinh tế yếu, đồng USD yếu, căng thẳng ở một số quốc gia trên thế giới… đã làm giá vàng không ngừng tăng. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD của Mỹ được thông qua vào đầu tháng 3 năm nay đã góp phần làm cho giá vàng đi lên hoặc ít nhất cũng kìm hãm đà giảm giá của mỹ kim. Những việc này đã làm vàng trở thành xu hướng đầu tư an toàn.

Xu hướng mua bán và sáp nhập đang tăng mạnh do yêu cầu phải tái cơ cấu toàn diện từ ảnh hưởng của COVID-19. Một thực tế cho thấy, sự kết hợp giữa các doanh nghiệp trong các thương vụ sáp nhập khiến họ được hưởng lợi ích kinh tế mà các công ty riêng lẻ không thể đạt được, như giúp giảm chi phí về quản lý, tiếp thị, nghiên cứu và tài chính. Điều này cũng giúp loại bỏ sự trùng lặp của nhiều quy trình làm cho các công ty hiệu quả hơn.

Từ những lợi ích về mặt hoạt động và lợi ích về mặt tài chính, thực hiện mua bán & sáp nhập là một giải pháp tốt khi rơi vào khủng hoảng, đặc biệt là trong thời điểm nền kinh tế đang bị rung chuyển bởi dịch COVID-19 như hiện nay. Do vậy, một sự kết hợp bởi thương vụ này có thể là liều thuốc tốt cho các bên.

 Xuất hiện nhiều xu hướng đầu tư biến rủi ro thành cơ hội - 1

Bài báo về xu hướng và cơ hội đầu tư của Chủ tịch Hội đồng quản trị SAPA Thale đăng trên Forbes số ra cuối tháng 5/2021.

Bên cạnh đó, xu thế cắt giảm chi phí và nhân sự cùng với việc chuyển đổi kinh doanh số cũng đang diễn ra trên toàn cầu và mang lại kết quả rất khả quan. 

Chuyển đổi số là xu thế chung của toàn cầu. Điều này đã được công ty Nghiên cứu McKensey nhận định, khoảng 4 năm tới, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%. Một khảo sát từ Singapore, nếu các nước ASEAN chuyển đổi số mạnh mẽ, năm 2030 GDP ASEAN có thêm 1.000 tỷ USD.

Ở lĩnh vực dịch vụ tài chính, ông Mai Vũ Minh cho rằng, nhìn theo hướng lạc quan thì đại dịch cũng mang lại nhiều điểm tích cực. Nó đẩy nhanh hơn xu hướng thanh toán không dùng tiền dẫn tới những nhu cầu mới về sản phẩm và dịch vụ này, cũng như tạo sức ép cạnh tranh khiến ngành ngân hàng phải đẩy nhanh tiến trình số hóa.

Theo kết quả khảo sát "Chỉ số thanh toán mới" mà Mastercard thu thập từ 18 thị trường trên toàn cầu, thì 84% người tiêu dùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp cận với nhiều hình thức thanh toán hơn so với một năm trước. Cũng theo báo cáo của Mastercard, người dân khu vực châu Á - Thái Bình Dương không chỉ sử dụng các công nghệ thanh toán mới, mà còn chủ động có những thay đổi dựa trên sự cần thiết và cân nhắc về những mối quan tâm tối quan trọng như an toàn cá nhân, tính bảo mật và sự tiện lợi. Trong tương lai, việc sử dụng nhiều công nghệ thanh toán có xu hướng gia tăng khi người dân ngày càng hiểu rõ và thoải mái khi sử dụng những công nghệ này.

Đây là cơ hội để các tổ chức tài chính rà soát, phát triển các sản phẩm của mình để phục vụ tốt hơn và nâng cao trải nghiệm khách hàng", ông Mai Vũ Minh nói.

Chủ tịch Hội đồng quản trị của SAPA Thale group cũng cho biết, có thể nhận diện thấy ít nhất có 4 nhóm cơ hội đầu tư quan trọng trong thời gian tới, đó là kinh doanh số, đầu tư công, y tế và dịch chuyển dòng vốn.

 Xuất hiện nhiều xu hướng đầu tư biến rủi ro thành cơ hội - 2

Ở nhóm cơ hội đầu tư số, theo ông Mai Vũ Minh thì với mục tiêu duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt qua khó khăn dịch bệnh cùng với xu thế CMCN 4.0 hiện nay, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã và đang tổ chức hoạt động, kinh doanh trên nền tảng tự động hóa, phát triển tài chính số, ngân hàng số, Fintech, thương mại điện tử… Theo đó, các dịch vụ hỗ trợ sẽ có nhiều cơ hội phát triển nhanh như kho vận, giao hàng nhanh, cung ứng nền tảng, an ninh mạng…

Tỷ phú Mai Vũ Minh nhận định, cơ hội cũng xuất hiện từ xu thế tăng đầu tư giải quyết an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, hạ tầng ICT, dịch vụ y tế... Những khoản đầu tư này đang được các nước quan tâm thực hiện vì chúng vừa thúc đẩy tăng trưởng cũng như tạo tiền đề phát triển lâu dài.

Nhóm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế, dịch vụ y tế, chăm lo sức khỏe, dược phẩm, sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường cũng đang mở rộng hơn. Dịch bệnh đã đẩy nhanh nhu cầu thiết yếu này, rút ngắn khoảng cách.

Cuối cùng, xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư đang diễn ra. Đây là “cơ hội vàng” cho các quốc gia như Ấn Độ và khu vực ASEAN nhằm thu hút nguồn vốn quan trọng này. Xu thế này còn tiếp diễn và các doanh nghiệp tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chính phủ nhiều nước đang tích cực khuyến khích, hỗ trợ xu hướng này.

Trường Giang
Bình luận
vtcnews.vn