Xông phòng COVID-19, bé 6 tháng tuổi bị nhiễm trùng máu

Covid-19Thứ Sáu, 04/03/2022 13:45:00 +07:00
(VTC News) -

Qua thăm khám, các bác sĩ xác định trẻ bị bỏng độ III, mu bàn chân trái nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết.

Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận bé trai G.B (6 tháng tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao, nhiễm trùng huyết. Trước đó gia đình sử dụng máy xông mũi họng để phòng COVID-19, gây bỏng mu bàn chân trái, vùng bỏng điều trị không tốt dẫn đến nhiễm trùng tại chỗ, nhiễm trùng máu.

Mẹ của bé cho biết, hàng xóm có người mắc COVID -19 và người trong gia đình phải thường xuyên đi làm tiếp xúc bên ngoài, lo sợ con và các thành viên trong gia đình nhiễm bệnh nên gia đình đã tự mua máy xông về xông mũi họng hàng ngày.

Tuy nhiên, tối 20/2, trong lúc người nhà bế bé G.B đứng xông mũi họng, không may chân bé đá vào máy xông làm nước sôi từ máy đổ vào chân của trẻ. Sau tai nạn, trẻ quấy khóc nhiều, bỏng toàn bộ mu bàn chân trái. Người nhà đã tự sơ cứu cho bé bằng cách xả nước lạnh lên chân trẻ, trong quá trình xả nước do chân trẻ đeo tất nên người nhà đã tháo tất làm toàn bộ vùng da mu bàn chân trái của trẻ bị lột ra ngoài.

Sau tai nạn trẻ được đưa đến bệnh viện địa phương điều trị. Ngày 22/2 trẻ được chuyển đến Đơn vị bỏng, Bệnh viện Nhi Trung ương. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định trẻ bị bỏng độ III mu bàn chân trái nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, trẻ được điều trị tích cực tại đơn vị Bỏng. Hiện sức khoẻ trẻ đang dần ổn định.

Xông phòng COVID-19, bé 6 tháng tuổi bị nhiễm trùng máu  - 1

Trẻ được chăm sóc điều trị tại Đơn vị bỏng, khoa chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bác sĩ CKII Phùng Công Sáng, Phó trưởng khoa Chỉnh hình, kiêm phụ trách đơn vị bỏng, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, bỏng là một trong những tai nạn thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày. Lý do gây bỏng có nhiều loại, trong đó nước sôi là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ bỏng nhất. Đây là tai nạn thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ ở độ tuổi 1-6. Ở lứa tuổi này, trẻ thường hiếu động, tò mò, nhưng chưa nhận thức về các mối nguy hiểm. Các nguyên nhân gây bỏng chủ yếu là do sự bất cẩn của người lớn trong quá trình chăm sóc trẻ.

Theo bác sĩ Sáng, bỏng ở trẻ em, dù diện tích nhỏ nhưng nếu điều trị không tốt thì việc nhiễm trùng vùng bỏng hoàn toàn có thể xảy ra, nguy cơ dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn máu. Do lớp da trẻ em có những đặc điểm khác người lớn như mỏng hơn, sức chịu nhiệt kém nên khi bị bỏng mức độ sẽ nặng, sâu hơn người lớn, thậm chí gây tổn thương tận cơ, xương, mạch máu, thần kinh, nên nguy cơ nhiễm trùng vùng bỏng cũng cao hơn người lớn. 

“Việc sơ cứu ban đầu đúng khi trẻ bị bỏng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho tổn thương bỏng đỡ sâu, nặng thêm và giảm nguy cơ bội nhiễm. Xử trí không đúng cách ngay từ đầu, điều trị vùng bỏng chưa đúng và  tốt  có thể khiến vết bỏng nhiễm trùng, lâu lành và để lại các di chứng như sẹo xấu, sẹo co kéo, nguy cơ để lại những thương tật vĩnh viễn cho các bé”, BS Sáng cho hay.

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo:

- Cha mẹ nên quan tâm hơn đến trẻ, đặc biệt trong các tình huống có thể gây nguy hiểm đến cho trẻ. 

- Cha mẹ không nên lạm dụng xông hơi, không được xông trực tiếp vào người trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 30 tháng tuổi. 

- Trẻ nhỏ hiểu biết còn non dại, ham nghịch ham chơi, vì vậy trong khi “xông” phòng ở cần trông nom trẻ cẩn thận, không được để trẻ chạy chơi một mình, có thể “xông” luân phiên các phòng tránh trẻ chạy chơi va phải.

- Nếu có sử dụng máy xông, nên sử dụng các loại máy phun sương khép kín, đặt ở vị trí chắc chắn, vị trí trẻ không thể với tới được, không nên sử dụng nồi xông nước nóng. 

Ngoài ra, nhà có trẻ nhỏ, khi “xông” phòng ở, không nên sử dụng tinh dầu có nồng độ đậm đặc; thời điểm “xông” phòng ở có thể lựa chọn vào sáng sớm khi trẻ chưa ngủ dậy, buổi trưa hoặc chiều tối, tránh những tai nạn do sơ xuất gây nên. 

Nếu có sơ xuất, khi phát hiện trẻ bị bỏng, cần xử trí kịp thời và đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa Bỏng để khám và điều trị kịp thời.

Thanh Hải
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp