“Xóm chạy thận” gửi niềm tin vào lá phiếu

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 22/05/2011 06:30:00 +07:00

(VTC News) - Bệnh nhân “xóm chạy thận” cố gắng về quê để bầu cử. Được cầm phiếu đi bầu, họ thấy mình không bị lãng quên.

(VTC News) - Những số phận ở “xóm chạy thận” đang từng ngày oằn mình mưu sinh, kiếm tiền chữa bệnh. Nhưng họ vẫn không quên quyền và nghĩa vụ của họ trong ngày bầu cử. Hơn ai hết, họ mong rằng, sau bầu cử, những ai trúng cử sẽ chăm lo hơn đến chất lượng y tế, quan tâm hơn đến những bệnh nhân nghèo không có tiền chữa bệnh.

Mưu sinh kiếm tiền chạy thận

Đối diện với bệnh viện Bạch Mai, ẩn khuất trong ngõ 121 Lê Thanh Nghị (phường Đồng Tâm, Hà Nội), không biết từ bao giờ, cái xóm “khốn khổ” ấy đã mang tên “xóm chạy thận”. Một con hẻm nhỏ, ngõ nhỏ như những con đường cùng của những kiếp đời khốn cùng. Số phận những bệnh nhân chạy thận đang quằn quại trong đau thương.

"Xóm chạy thận" gửi hết niềm tin vào lá phiếu. 

“Xóm chạy thận” có 108 con người đang lầm lũi, oằn mình đấu tranh với “thần chết” để giành giật sự sống. Mỗi người một quê khác nhau, người từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... tìm ra, người nơi Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Bắc Giang... tìm về. Người bệnh nhẹ chăm người bệnh nặng, cùng dìu nhau qua hoạn nạn, chống chọi với “tử thần” bệnh tật.

Trong căn phòng trọ nhỏ xíu của vợ chồng ông già Mai Văn Mã (sinh năm 1935), bà vợ Trần Thị Hòa đang luộc những bắp ngô chờ đem bán kiếm tiền mua rau cỏ cho bữa tối. Còn ông Mã vừa đi lọc máu về, mệt quá, không sao chợp mắt được.

Cả ông Mã, bà Hoa cùng 2 người con trai đều bị suy thận. 

Trò chuyện về cuộc sống, những giọt nước mắt nghẹn ứa cứ thế tràn ra. Ông Mã bảo: “Gia đình tôi ở thôn Vu Chu (Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội). Một lần bị ốm, đi khám thì bác sĩ bảo tôi bị bệnh thận, cả nhà buồn lắm. Nhưng rồi, đứa con cả cũng bị căn bệnh tai quái ấy. Đứa con thứ hai bị mất cũng bởi bệnh thận. Nỗi khổ ông già tóc bạc tiễn kẻ tóc xanh đã làm tôi suy sụp. Khốn nạn thay, căn bệnh quái ác ấy cũng không tha vợ tôi. Tại sao ông trời lại bất công khiến cả nhà tôi bị suy thận như vậy?”.

Hai ông bà già dìu nhau lên Hà Nội trị bệnh, chống chọi với tử thần, giành giật sự sống từng ngày, từng phút suốt 16 năm ròng rã. Bản thân ông bị nhiễm chất độc da cam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Tiền chữa bệnh, sinh sống của hai vợ chồng già trông vào nồi bắp ngô luộc. 

Tiền lương mỗi tháng được 1,2 triệu đồng, trong khi tiền thuê nhà, điện nước mỗi tháng hết 1,3 triệu đồng. Khoản ăn uống trông chờ vào từng bắp ngô luộc, từng nắm xôi của bà Hoa. Ngày may mắn thì kiếm được vài chục ngàn, có ngày chẳng kiếm được đồng nào.

Anh em họ hàng ở quê toàn làm ruộng, đều nghèo khó, chẳng ai giúp được gì. “Tôi còn nhớ mãi ngày đưa con cả xuống Hà Nội trị thận, cả ngày tôi chỉ dám ăn đúng một cái bánh mì, còn tiền để chữa bệnh cho con. Giờ thì 3 người, vợ chồng tôi và con cả đều đang trị bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai, trọ cùng một xóm” – ông Mã rưng rưng nước mắt.

4h sáng, cuộc mưu sinh kiếm tiền duy trì sự sống bắt đầu. Bệnh thận, thoái hóa 2 đốt cột sống, một bên tay đang dần mất cảm giác, gánh nặng mưu sinh, kiếm tiền chữa bệnh càng đè nặng đôi vai bà Hoa.

Cặp vợ chồng già này nhặt ve chai kiếm tiền mưu sinh. 

Chị Nguyễn Thị Thiết ở thôn Thượng Cốc (xã Thượng Cốc, Phúc Thọ, Hà Nội) mang hai căn bệnh trên người gồm bệnh thận quái ác và hen phế quản. Chị mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải đi ở mướn. Nhưng phát bệnh nặng, xin nghỉ nhiều nên người ta không thuê nữa. Chị chuyển sang bán trà đá dạo, kiếm tiền thuốc thang. Chị không cầm được nước mắt và khóc tủi phận mình.

Chị Nguyễn Thị Thuật, quê Xuân Huy (Lâm Thao – Phú Thọ) chạy thận đã 6 năm nay. Khi sinh con, hoàn cảnh khó khăn, chồng không gánh vác cùng lại bỏ theo người đàn bà khác. Chị cũng đành lòng cho con mình ở với bố và mẹ kế để cháu được nuôi dưỡng tử tế. Còn chị, một thân một mình xuống Hà Nội trị thận. Lúc ốm thì nhờ người cùng phòng chăm sóc, nếu bị nặng quá thì bảo người mẹ già xuống chăm. Lúc nào khỏe thì đi bán hàng rong tranh thủ kiếm thêm vài đồng bạc lẻ mua rau, cháo qua ngày.

Chị Thuật phải diễn giải ra giấy chúng tôi mới hiểu hết được thủ tục phức tạp của bệnh nhân chạy thận có bảo hiểm y tế. 

Thời kỳ bão giá thật khốn khổ, khẩu phần ăn cứ bị cắt dần, mọi chi tiêu phải căn từng đồng một. “Ăn một bữa thịt bằng tiền mua rau một tuần, nên chả mấy ai dám ăn thịt”, bà Hoa than thở.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, “trưởng xóm chạy thận” chua chát: “Còn rất nhiều trường hợp bi thương nữa. Mỗi phòng trọ là một vài tâm hồn vỡ, số phận cay nghiệt. Họ đi bán nước dạo thì bị an ninh trật tự đuổi, bị thu hết đồ nghề, đi xe ôm thì bị đánh vì tranh đất làm ăn của người ta, bán kem phải theo mùa, đi làm ôsin thì không ai chịu thuê”.

Dù vẫn phải mưu sinh, kiếm tiền chữa bệnh, nhưng những bệnh nhân ở “xóm chạy thận” vẫn cố gắng về quê để bầu cử. Ai không về được thì gọi cho người thân ghi phiếu bầu giúp mình. Hơn ai hết, họ thấu hiểu rằng, cầm tấm phiếu bầu trên tay không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ. Được cầm phiếu đi bầu, họ thấy mình không bị lãng quên.

Lá phiếu hy vọng của “xóm chạy thận”

Chị Nguyễn Thị Thuật phàn nàn: “Hầu hết bệnh nhân ở đây đều phàn nàn với việc chi trả bảo hiểm y tế quá phức tạp. Khi khám bệnh ở tuyến huyện, tuyến huyện chuyển lên tuyến tỉnh, rồi tuyến trung ương, thì chỉ được hưởng chế độ với loại bệnh đã khám ở tuyến dưới. Nhưng khi phát hiện thêm bệnh khác, nếu đi khám, chữa bệnh và điều trị ở bệnh viện khác, tuyến khác thì sẽ không được thanh toán. Rồi các loại thủ tục lòng vòng khiến bệnh nhân chạy ngược, chạy xuôi rất mệt mỏi”.

Mặc dù đang nằm viện nhưng những bệnh nhân này vẫn mong được về quê bỏ phiếu.  

Cả “xóm chạy thận” đều có chung mong ước, sau cuộc bầu cử này, người trúng cử sẽ chăm lo y tế hơn nữa, nhất là những chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo. “Những năm trước chúng tôi không phải mất tiền viện phí, nhưng giờ phải trả 5%, với những người nghèo, neo đơn như chúng tôi thì 5% đó cũng không kiếm đâu ra mà trả” - bà Hoa than thở.

Chúng tôi đến thăm các bệnh nhân khoa Thận nhân tạo, Bệnh Viện Bạch Mai. Những khuôn mặt bệnh nhân mệt mỏi sau mỗi lần điều trị. Mặc dù còn yếu lắm, nhưng bà Nguyễn Thị Thời (50 tuổi) quê ở Nam Định vẫn muốn được về quê bầu cử. Những người yếu quá, không thể về được thì bệnh viện sẽ tổ chức cho bầu cử ở phường Phương Mai gần đó.

Chị Lê Thị Đoan (Tân Yên – Bắc Giang), bệnh nhân suy thận nặng ao ước: “Mong rằng, sau cuộc bầu cử này, các cơ quan, tổ chức y tế, bảo hiểm y tế... sẽ quan tâm hơn đến cuộc sống khốn khổ của chúng tôi hơn nữa, để những bệnh nhân chạy thận bớt hẩm hiu hơn. Sớm ngày mai tôi sẽ tranh thủ về quê để kịp bầu cử. Tôi sẽ bầu cho người quan tâm nhiều đến y tế cho người nghèo”.

Tiến sĩ Nguyễn Khoa Luận, Trưởng khoa Thận nhân tạo cho biết: “Năm nay, việc bầu cử các cấp, các ngành diễn ra cùng một ngày. Bệnh viện đã chuẩn bị rất chu đáo cho cuộc bầu cử, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân được về quê bầu cử. Với những bệnh nhân không thể về được, phía bệnh viện đã phối hợp với phường Phương Mai, Quận Đống Đa, Hà Nội, để đưa bệnh nhân đến tận nơi bỏ phiếu bầu”.

Những bệnh nhân này sẽ cầm tấm phiếu bầu những ai mà họ tín nhiệm nhất. Hy vọng những người đắc cử sẽ chăm lo hơn nữa đến y tế, nhất là những bệnh nhân nghèo, không chỉ là ước mơ riêng của “xóm chạy thận” mà còn là nguyện vọng của tất cả các bệnh nhân nói chung và cả những người dân khi đi khám chữa bệnh.

Hoàng Thế Tào


Bình luận
vtcnews.vn