Xé màn bí ẩn "dãy núi ma" dưới lớp băng Nam Cực

Thế giớiThứ Sáu, 18/11/2011 06:34:00 +07:00

(VTC News) - Tiến sĩ Robin Bell đã ví sự trở lại của dãy Gamburtsev như là sự hồi sinh từ tro tàn của những chú phượng hoàng trong truyền thuyết châu Âu.

(VTC News) - Các nhà khoa học đã giải thích được sự tồn tại của "dãy núi ma" Gamburtsev hùng vĩ ngang ngửa dãy Alps của Châu Âu nhưng bị chôn vùi dưới lớp băng dày 4km của Nam Cực.

Những ngon núi này được phát hiện một cách bất ngờ vào những năm 1950 của thế kỷ trước và đã làm tốn khá nhiều thời gian công sức của các nhà khoa học để nghiên cứu về chúng. Hầu như mọi người đều cho rằng nền đá phía dưới lớp băng dày kia có hình dạng phẳng và không có gì đặc biệt.

Các số liệu nghiên cứu được về Gamburtsev rất quan trọng, bởi từ đó chúng ta có thể xác định vị trí và thời điểm chính xác những tảng băng Nam Cực hiện tại bắt đầu di chuyển. Việc làm sáng tỏ lịch sử dãy núi cổ đại này không chỉ giúp các nhà khoa học nghiên cứu được những biến đổi khí hậu trong quá khứ mà còn có thể đưa ra những phán đoán trong tương lai theo tính chu kỳ. Theo thông tin ban đầu, Gamburtsev đã hình thành được hơn 1 tỷ năm.

Loại radar xuyên băng mà các nhà khoa học dùng để nghiên cứu địa hình của dãy núi ma. 

Phát biểu trên BBC, tiến sĩ Fausto Ferraccioli thuộc tổ chức nghiên cứu Nam Cực của Anh cho biết: "Công việc nghiên cứu dãy núi cổ đại thực sự là một thách thức khó khăn, nhưng chúng tôi đã thành công và sẵn sàng để viết nên một câu chuyện hấp dẫn."

Tiến sĩ Ferraccioli là người thực hiện phần lớn các công việc trong dự án nghiên cứu về Gamburtsev - dự án đa quốc gia khởi động vào năm 2008, nơi các nhà khoa học cùng nhau đi máy bay đến vùng nghiên cứu, sau đó dùng radar xuyên băng để tính toán, đo đạc các số liệu của dãy núi đang nằm sau dưới lớp băng Nam Cực. Các thiết bị sẽ được dùng để đo từ trường, trọng lực và khảo sát địa hình của các lớp đá bên dưới.

Nhóm nghiên cứu tin rằng những số liệu mà họ có được là từng phần của câu chuyện kể về sự hình thành của Gamburtsev trải qua những biến động địa chất lâu đời. Đó là câu chuyện bắt đầu hơn 1 tỷ năm, khi mà sự sống vẫn còn là cái gì đó rất mơ hồ trên thế giới này, thời điểm mà các lục địa ngày nay vẫn còn nằm bên cạnh nhau tạo nên siêu lục địa Rodinia.

Mặt cắt mô phỏng độ các lớp địa hình tại Nam Cực, dưới lớp băng dày 4km là những ngọn núi của dãy Gamburtsev

Sau khi có những vụ va chạm, xô đẩy giữa các nền lục địa, những dãy núi được hình thành, tạo nên những tầng địa chất vững chắc sâu bên dưới. Trải qua hàng triệu triệu năm, các đỉnh núi bắt đầu bị bào mòn do tác động của thời tiết, chỉ còn những phần chân đế là vẫn tồn tại. 

Tuy nhiên, cách đây khoảng 100-250 triệu năm, khi mà những chú khủng long đang lang thang dạo chơi trên bề mặt trái đất, những biến đổi địa chất lại tiếp tục, các lục địa nứt gãy và di chuyển gần hơn với những nền đất cổ. Sự biến đổi này đã một lần nữa khiến các nền lục địa cổ đại dịch chuyển, tạo nên những dãy núi mới theo cơ chế dồn nén, đồng thời cũng tạo nên những thung lũng lớn hơn - nguyên nhân hình thành những dòng sông và cả các dòng sông băng.

35 triệu năm trước, những dòng sông băng là kẻ đã viết nên chương cuối cho câu chuyện dài hơn 1 tỷ năm này. Do có sự hỗ trợ từ thời tiết vùng cực quanh năm lạnh giá, chúng đã phát triển mạnh mẽ, kết hợp với nhau và cuối cùng là chôn vùi Gamburtsev dưới lớp băng dày đến 4km như ngày nay.

Bản đồ mô phỏng độ dày của lớp băng phía trên dãy Gamburtsev trong 35 triệu năm trở lại đây. 

"Những nghiên cứu này đã giải thích được tại sao lại có sự tồn tại của một dãy núi trẻ ngay giữa lòng một lục địa già như Nam Cực." - Tiến sĩ Robin Bell người Mỹ đến từ đài quan sát trái đất của Đại học Columbia cho biết. Bà cũng giải thích thêm, trong trường hợp này chính sự bào mòn của hàng triệu năm trước là điều kiện thuận lợi nhất cho sự trở lại của Gamburtsev. Bà đã so sánh sự trở lại của Gamburtsev như là sự hồi sinh từ tro tàn của những chú phượng hoàng trong truyền thuyết châu Âu.

Trong thời gian tới, các nhà khoa học sẽ tiến hành khoan thăm dò và thu thập các mẫu đất đá của Gamburtsev. Ngoài đất đá thì những mẫu khí được lấy lên từ các túi khí đang còn mắc kẹt trong lòng đất sẽ cho các nhà nghiên cứu cái nhìn chính xác nhất về những biến đổi khí hậu đã từng xảy ra trong quá khứ tại vùng đất lạnh giá này. 

Giới khoa học cũng hi vọng sẽ thu thập được những mẫu băng có niên đại hàng triệu năm, các mẫu vật quý giá này có tuổi lớn hơn những gì mà các nhà khoa học đang có ít nhất 200.000 năm tuổi.

Tùng Đinh

Bình luận
vtcnews.vn