Vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội của Cách mạng 4.0

Khoa học - Công nghệThứ Sáu, 13/07/2018 07:30:00 +07:00

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ, tác động đến nhiều quốc gia, chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam, cuộc Cách mạng này đang mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức...

Sáng 12/7, tại Hà Nội, Lễ Khai mạc Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 đã diễn ra.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Bình (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung Ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương) nhận định: Việc khai thác đúng đắn và kịp thời những cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 là thách thức chung của các quốc gia, nhưng đối với một số nước đang phát triển như Việt Nam, thách thức đó càng lớn.

1

Khu vực triển lãm chật kín khách tham quan là các cá nhân, tổ chức đến từ nhiều quốc gia trên thế giới có sự quan tâm đến công nghệ 4.0 

“Cách mạng công nghiệp mới một mặt mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu; tạo sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững hơn và cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; mang lại tiềm năng cho các nước đang phát triển có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hóa bằng cách đi tắt, đón đầu, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn.

Tuy nhiên, nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, tình trạng dư thừa lao động kỹ năng thấp và sự bất bình đẳng trong xã hội”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, sự liên kết và gắn kết trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể dẫn tới vấn đề biên giới mềm, quyền lực mềm, vấn đề an ninh không gian mạng và an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia…

2

Đây là dịp để các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 giới thiệu những sản phẩm của mình ra thị trường 

Do đó, đòi hỏi Chính phủ cần có sự ứng phó chủ động và kiểm soát tốt để bảo đảm chủ quyền và an ninh cho người dân và đất nước.

Thực tế, trong thời gian qua, Việt Nam đã có những bước chuẩn bị ban đầu: Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 về định hướng xây dựng “Chính sách Công nghiệp quốc gia đến 2020, tầm nhìn đến năm 2045”…

Như vậy, Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 diễn ra trong thời điểm này xuất phát từ những mục tiêu hết sức thiết thực nhằm hoạch định chính sách và phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam, trong đó có chính sách phát triển công nghiệp.

Sau khi kết thúc Lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Thủ tướng Võ Đức Đam, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng đại diện các Bộ ngành đã tham quan các gian hàng tại triển lãm và tham gia Phiên Diễn đàn cấp cao với chủ đề “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

3 3

Một sản phẩm công nghệ ứng dụng 4.0 được trưng bày tại triển lãm 

Phan Minh
Bình luận
vtcnews.vn