Vĩnh Phúc: Triển khai quy định kỷ luật tổ chức, đảng viên vi phạm

Tin nóngThứ Sáu, 02/12/2022 06:30:00 +07:00
(VTC News) -

Tỉnh Vĩnh Phúc vừa tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai quy định của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

Sáng 1/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện quy định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm và một số quy định, kết luận về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng.

Hội nghị đã quán triệt, triển khai các nội dung quy định số 69/QĐ-TW; phân tích những điểm mới của quy định 69 so với quy định số 102 ngày 15/11/2017 và quy định số 07 ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

Quy định số 69/QĐ-TW gồm 4 chương, 58 điều. Các điểm mới tập trung ở 3 nội dung: Quy định hành vi mới trên cơ sở tổng kết thực tiễn và dự báo về các vi phạm trong thời gian tới; điều chỉnh tăng nặng hoặc giảm nhẹ chế tài đối với vi phạm được quy định trước đây; xác định rõ động cơ, mục đích, hậu quả của vi phạm làm căn cứ áp dụng chế tài phù hợp và đồng bộ với quy định mới của Đảng và pháp luật Nhà nước, với mục đích để tổ chức đảng, đảng viên không muốn và không dám vi phạm kỷ luật của Đảng.

Vĩnh Phúc: Triển khai quy định kỷ luật tổ chức, đảng viên vi phạm - 1

Ông Phạm Đức Tiến, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương quán triệt, triển khai các nội dung của quy định 69.

Trong đó, nêu rõ nội dung về kỷ luật đảng viên vi phạm gồm 32/58 điều. Việc bổ sung, quy định mới các vi phạm cùng hình thức kỷ luật đối với đảng viên được cập nhật, bổ sung trên cơ sở tổng kết thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời, thống nhất với các quy định mới của Đảng, đồng bộ với quy định của pháp luật hiện hành.

Ngoài việc mang tính răn đe, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các vi phạm của cán bộ, đảng viên, các nội dung còn lại đề cao tinh thần, trách nhiệm nêu gương, tự rèn luyện bản thân đảng viên cùng với trách nhiệm tuyên truyền giáo dục, vận động gia đình, người thân trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh.

Tiếp đó, các đại biểu cũng được giới thiệu, quán triệt những nội dung chính trong Kết luận số 34-KL/TW, ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh nhấn mạnh: Các cấp ủy, tổ chức Đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp trong tỉnh cần chú trọng triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xem xét, xử lý kỷ luật trong Đảng theo tinh thần Quy định số 69-QĐ/TW và Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị. Thường xuyên, chủ động, tích cực nghiên cứu, học hỏi để nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát.

Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy cần tích cực, chủ động nghiên cứu, học tập quy định của Trung ương về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, giúp tổ chức đảng, đảng viên phòng ngừa, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, góp phần nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trong quá trình triển khai, quán triệt các quy định của Đảng về công tác kiểm tra, các cấp ủy cần chủ động rà soát, xây dựng quy chế, quy định hướng dẫn và chương trình kế hoạch, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát cho phù hợp với những điểm mới, các nội dung sửa đổi, bổ sung tại quy định nêu trên, đồng thời, chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát.

Vĩnh Phúc: Triển khai quy định kỷ luật tổ chức, đảng viên vi phạm - 2

Quang cảnh hội nghị.

Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp và cán bộ làm công tác kiểm tra phải nắm vững quy trình, quy định của Đảng về xem xét, xử lý kỷ luật. Khi xem xét, thi hành kỷ luật Đảng, phải tôn trọng khách quan, có lý, có tình; cần xác minh, làm rõ nội dung, tính chất, mức độ vi phạm để xem xét; vi phạm đến đâu, kỷ luật đến đó, yêu cầu đúng người, đúng lỗi vi phạm nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của Đảng, nhưng cũng thể hiện được tính nhân văn trong quá trình áp dụng quy định.

Cần chủ động hơn nữa trong việc rà soát tự kiểm tra, đánh giá trong nội bộ địa phương, nội bộ đơn vị, phát hiện những vấn đề cần quan tâm, lưu ý để tự sửa, khắc phục, điều chỉnh, tránh các khuyết điểm, vi phạm kéo dài, các vi phạm đã nêu cụ thể trong quy định, kịp thời rút kinh nghiệm.

Từ đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Minh Tuệ
Bình luận
vtcnews.vn