Vĩnh Phúc tập trung kiện toàn 'huyết mạch' giao thông

Thị trườngChủ Nhật, 10/09/2023 17:19:00 +07:00
(VTC News) -

Tỉnh Vĩnh Phúc tập trung huy động mọi nguồn lực để triển khai và hoàn thành nhiều dự án giao thông trọng điểm, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.

Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn ưu tiên nguồn vốn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thiện các công trình giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt giữa các địa phương, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong tỉnh và hình thành các tuyến đường kết nối Vĩnh Phúc với các tỉnh thành lân cận, tạo một mạng lưới giao thông đồng bộ, hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu kết nối, lưu thông hàng hóa. 

Đường lớn đã mở 

Vĩnh Phúc luôn xác định mạng lưới hạ tầng giao thông chính là “huyết mạch” để phát triển kinh tế - xã hội, là bước đột phá để tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư, nâng cao thu nhập cho người dân. Vì thế, tỉnh đã tập trung cải tạo, nâng cấp và xây mới nhiều tuyến đường, cây cầu kết nối vùng miền, trục quốc gia, tạo sự thông suốt “mạch máu” giao thông.

Tập trung ưu tiên các dự án trọng điểm là tiền đề quan trọng để tạo sức bật mạnh mẽ, giúp Vĩnh Phúc trở thành điểm đến đầu tư tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Dự án cầu Vĩnh Phú - một trong những dự án trọng điểm được khởi công đúng vào dịp kỷ niệm chào mừng kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc được khởi công xây dựng từ đầu năm 2022.

Đây là một trong những dự án quan trọng, góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông, nâng cao khả năng khai thác, lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các vùng miền trong tỉnh và giữa các tỉnh, thành phố, trong đó có thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ).

UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với tỉnh Phú Thọ tiến hành triển khai dự án theo đúng quy định của pháp luật. UBND tỉnh cũng chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng.

HĐND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành Nghị quyết số 08 về việc quyết định chủ trương đầu tư dự án Tuyến giao thông kết nối từ đê tả sông Hồng đến cầu Vân Phúc, với tổng mức đầu tư 1.213 tỉ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2026.

Tập trung kiện toàn “huyết mạch” giao thông, Vĩnh Phúc đã sớm lên kế hoạch bố trí nguồn vốn cho các dự án Giao thông trọng điểm như: đường trung tâm huyện Vĩnh Tường, tuyến QL2 (Cụm KT-XH Đại Đồng) đến QL2C (Cụm CN Đồng Sóc) giai đoạn 2.

Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 305, đoạn từ Quán Tiên đến cầu Bến Gạo, đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc đoạn từ QL2A tránh thành phố Vĩnh Yên đến đường vành đai 3; đường trục Đông Tây đô thị Vĩnh Phúc đoạn từ Tân Phong (Bình Xuyên) đi Trung Nguyên (Yên Lạc).

Đường từ KCN Tam Dương I (ĐT.310) đến KCN Tam Dương II (Đường Hợp Châu-Đồng Tĩnh), tiến hành mở rộng đường trục trung tâm Khu đô thị mới Mê Linh và đường vành đai 2 thành phố Vĩnh Yên đoạn từ QL2C đến đường song song đường sắt tuyến phía Bắc.

Đi tới tương lai

Với quyết tâm chính trị cao, hiện Vĩnh Phúc đã xây dựng được hệ thống giao thông đường bộ trong tỉnh tương đối hoàn chỉnh với 159,5 km đường cao tốc, quốc lộ; 255,1 km đường vành đai; 371,3 km đường tỉnh và 4.373 km đường giao thông nông thôn. Tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - Lào Cai cũng được duy trì nhằm nâng cao khả năng khai thác, đảm bảo an toàn chạy tàu.

Vĩnh Phúc tập trung kiện toàn hệ thống giao thông nội tỉnh và liên vùng.

Vĩnh Phúc tập trung kiện toàn hệ thống giao thông nội tỉnh và liên vùng.

Thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ dành ưu tiên cho các dự án xây dựng hạ tầng khung đô thị, nhất là các công trình trọng điểm về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế -xã hội, các dự án giao thông, từng bước hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối đê tả sông Hồng đến cầu Vân Phúc; tuyến tránh Quốc lộ 2C, đoạn từ nút giao IC5 đến thành phố Tuyên Quang; đường vành đai 4, trục Đông Tây kéo dài đấu nối với trục TD7 huyện Mê Linh để kết nối với đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Có thể nói, Vĩnh Phúc đã tạo ra các lợi thế cạnh tranh về hạ tầng cơ sở trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chính nhờ hạ tầng giao thông được đầu tư, xây dựng với quy mô tương đối hiện đại, đồng bộ và có tính liên thông, liên kết cao giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh phía Bắc, khu vực Đồng bằng sông Hồng.

6 tháng đầu năm 2023, thu hút đầu tư trong nước của Vĩnh Phúc vượt 2,2 lần kế hoạch với số vốn DDI, đạt 11.000 tỷ đồng. Số vốn FDI thu hút đạt gần 360 triệu USD, tăng 60,5% so với cùng kỳ, vượt 2,2 lần so với kế hoạch năm 2023.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch.

Mục tiêu đó bắt đầu từ những hành động hiện tại, trong đó, tập trung kiện toàn “huyết mạch” giao thông là một nhiệm vụ quan trọng và vẫn tiếp tục được tỉnh quan tâm thúc đẩy.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn