Vingroup mở trường đào tạo phi công chuẩn quốc tế

Kinh tếThứ Ba, 09/07/2019 19:42:00 +07:00

Mỗi năm sẽ có 400 phi công và thợ máy đạt tiêu chuẩn quốc tế CAAV, FAA và IASA từ hệ thống đào tạo của Vingroup.

Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn CAE (Canada) vừa ký kết thoả thuận hợp tác đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới.

Mục tiêu nhằm đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không dân dụng Việt Nam và khu vực. Đồng thời, góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực phi công và kỹ thuật bay.

Bên cạnh đó, Vingroup cũng đào tạo các nhân sự khác trong ngành Hàng không như huấn luyện chuyển loại, nâng cấp và định kỳ cho phi công, thợ máy, huấn luyện nhân viên điều phái bay, tiếp viên hàng không; quản trị hàng không, kinh tế vận tại hàng không và kỹ sư máy bay….

vingroup

VinAviation School sẽ bổ sung lượng lớn phi công chất lượng cao cho thị trường. (Ảnh minh họa)

Vingroup cho biết đã ký kết thoả thuận hợp tác với CAE Oxford Aviation Academy - tổ chức đào tạo hàng không hàng đầu thế giới - thành lập Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao Ngành Hàng Không (VinAviation School) và Trung tâm huấn luyện bay Vinpearl Air (VPA Training Centre) tại Việt nam.

Trong đó, VinAviation School đào tạo phi công, thợ máy cơ bản theo tiêu chuẩn CAAV (Cục Hàng không Việt Nam) và tiêu chuẩn quốc tế được FAA (Cục Hàng không Liên bang Mỹ) và EASA (Uỷ ban An toàn hàng không Châu Âu) công nhận tại Việt Nam; chỉ tiêu dự kiến là 400 phi công và thợ máy/năm.

Vinpearl Air đào tạo huấn luyện chuyển loại, nâng cấp và định kỳ cho phi công, thợ máy, huấn luyện nhân viên điều phái bay, tiếp viên hàng không và các nhân viên hàng không khác. Riêng nhóm ngành quản trị hàng không, kinh tế vận tại hàng không và kỹ sư máy bay sẽ do trường đại học VinUni đảm nhiệm.

Ông Nguyễn Việt Quang - Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết : “Tình trạng khan hiếm phi công và kỹ thuật bay đang diễn ra không chỉ Việt Nam mà trên khắp thế giới. Mức lương trong ngành này rất cao, từ 100 triệu đồng trở lên với phi công bay thương mại và 200 triệu đồng trở lên với cơ trưởng - giáo viên, trong khi thời gian đào tạo chỉ từ 18-21 tháng. Vì thế Vingroup đặt mục tiêu góp phần giải quyết được bài toán khan hiếm phi công trong nước, đồng thời tiến tới xuất khẩu phi công ra thế giới, nhằm tham gia phát triển các nguồn lực quốc gia, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ và đóng góp ngoại tệ cho đất nước”.

“Chúng tôi tin tưởng ý chí mạnh mẽ của Tập đoàn Vingroup và kinh nghiệm của Tập đoàn CAE sẽ giúp dự án gặt hái được thành công trong thời gian ngắn”, ông Al Contrino, đại diện CAE bày tỏ.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Vingroup, việc tuyển sinh dự kiến sẽ được tiến hành ngay trong tháng 8/2019.

Ngày 29/5 vừa qua, Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội đã cấp đăng ký thay đổi cho Công ty cổ phần Phát triển thương mại và dịch vụ VinAsia đổi tên thành Công ty cổ phần Hàng không Vinpearl Air.

Vinpearl Air có 3 cổ đông sáng lập gồm Công ty cổ phần Phát triển du lịch VinAsia góp vốn 45%, ông Hoàng Quốc Thủy góp vốn 30% và ông Phạm Khắc Phương góp vốn 25%.

Hiện “bầu trời Việt Nam” có 5 hãng hàng không cạnh tranh gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Jetstar Pacific Airlines, Vasco Airlines. Trong đó, Bamboo Airways thuộc Tập đoàn FLC là hãng bay trẻ nhất.

Theo các chuyên gia, năng lực khai thác của hàng không Việt Nam đã gần đạt đến giới hạn và việc thiếu phi công đang khiến cho các hãng vận chuyển cạnh tranh nhau ngày càng gay gắt.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn