Việt Nam ủng hộ nỗ lực tái định vị hệ thống phát triển Liên hợp quốc

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 13/10/2023 21:20:56 +07:00

Ủy ban các vấn đề kinh tế và tài chính (Ủy ban 2) của Khóa 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 12/10 đã tiến hành thảo luận về hoạt động điều phối phát triển.

Tại phiên thảo luận, các nước nhấn mạnh, Liên hợp quốc cần tiếp tục tập trung vào lĩnh vực phát triển, chú ý tới hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể của các quốc gia thành viên trong quá trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Các đại biểu cũng kêu gọi đảm bảo tài chính cho hoạt động phát triển, bao gồm cả nguồn lực để các Điều phối viên thường trú có thể hỗ trợ hiệu quả các nước trên thực địa.

Quang cảnh phiên thảo luận.

Quang cảnh phiên thảo luận.

Phát biểu tại phiên họp, Tham tán Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định, trong 46 năm qua, Liên hợp quốc là đối tác tin cậy của Việt Nam trong hành trình hội nhập và phát triển đất nước. Việt Nam luôn trân trọng sự hỗ trợ hiệu quả của Liên hợp quốc trong chia sẻ tri thức, khuyến nghị chính sách và hỗ trợ kỹ thuật, giúp Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển bền vững.

Về phần mình, Việt Nam cũng luôn ủng hộ và tích cực đóng góp cho hoạt động của hệ thống phát triển Liên hợp quốc, đặc biệt trong vai trò nước thí điểm sáng kiến “Thống nhất hành động” (Delivering as One).

Tham tán Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc.

Tham tán Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc.

Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động điều phối cho phát triển bền vững, đại diện Việt Nam kêu gọi cung cấp tài chính đầy đủ và ổn định cho hệ thống phát triển Liên hợp quốc; nhấn mạnh hoạt động điều phối phát triển trên thực địa cần được xây dựng phù hợp với điều kiện và ưu tiên cụ thể của của từng nước, trong đó có vai trò quan trọng của Điều phối viên thường trú; đề nghị Liên hợp quốc tích cực hỗ trợ các nước trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, năng lượng xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật và đổi mới sáng tạo trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

PV(VOV-Washington)
Bình luận
vtcnews.vn