Việt Nam tổ chức thi THPT giữa dịch COVID-19: Chuyên gia nước ngoài nói gì?

Tuyển sinhThứ Sáu, 14/08/2020 13:35:00 +07:00
(VTC News) -

Theo Giám đốc Giáo dục và Kỹ năng (Tổ chức Hợp tác, Phát triển Kinh tế- OECD), VN tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT giúp đảm bảo công bằng cho thí sinh.

Ông Andreas Schleicher, Giám đốc Giáo dục và Kỹ năng của Tổ chức Hợp tác, Phát triển Kinh tế (OECD) có những đánh giá khách quan khi Việt Nam tổ chức thành công cho hơn 870.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát mạnh.

- Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của các kỳ thi đối với hệ thống giáo dục của mỗi quốc gia?

Các kỳ thi luôn xuất hiện trong tất cả các hệ thống giáo dục, nhằm tạo ra sự bình đẳng, công bằng. Các kỳ thi chính là tín hiệu báo cho học sinh giáo viên và phụ huynh điều gì thực sự quan trọng trong giáo dục.

Qua các kỳ thi sẽ chứng nhận học sinh học được những gì và những gì học sinh cần phải làm để đảm bảo đạt được vị trí học tập tốt nhất trong trường học. Hay nói cách khác, kỳ thi dành để tuyển lựa học sinh chất lượng nhất.

Vì vậy, không ngạc nhiên khi hầu hết các hệ thống giáo dục có kết quả cao trong kỳ đánh giá PISA, bao gồm Việt Nam, luôn tạo ra các kỳ thi được ưu tiên tốt nhất để đánh giá những điều quan trọng và có giá trị trong học tập, trong đó xác định được công thức đo lường, cũng như tính thực tế để đảm bảo độ tin cậy của kết quả thi.

Đại dịch COVID-19 đặt ra thách thức rất lớn cho tất cả mọi lĩnh vực, trong đó có cả thách thức trong việc tổ chức các kỳ thi.

Việt Nam tổ chức thi THPT giữa dịch COVID-19: Chuyên gia nước ngoài nói gì? - 1

Ông Andreas Schleicher, Giám đốc Giáo dục và Kỹ năng - Tổ chức Hợp tác, Phát triển Kinh tế (OECD).

- Ông có thể cho biết, các nước trên thế giới đã tổ chức các kỳ thi thế nào trong điều kiện khó khăn như vậy?

Đại dịch COVID-19 là thách thức rất lớn cho tất cả chúng ta, trong đó bao gồm cả thách thức trong việc tổ chức các kỳ thi. Học sinh ở nhiều quốc gia không thể tham dự được các kỳ thi vì lo ngại an toàn sức khỏe và các quốc gia phản ứng khá khác nhau về việc tổ chức kỳ thi.

Cụ thể, một số quốc gia không đưa ra đủ các kỳ thi cho mọi học sinh để đánh giá, điều đó làm giảm giá trị công sức học tập chăm chỉ nhiều năm của học sinh và có thể làm cho cả thế hệ đó bị kỳ thị khi đi làm. Một số quốc gia đã lựa chọn hình thức tự làm bài thi tại nhà đòi hỏi công nghệ rất tiên tiến và cơ chế giám sát rất phức tạp.

Có những quốc gia tổ chức kỳ thi dựa trên các câu hỏi nhanh, trên các cuộc thảo luận, trên diễn đàn, trên hồ sơ hoặc họ lấy điểm trung bình của học sinh nhận được trong các năm học. Nhưng điều đó không công bằng với tất cả học sinh vì chúng ta không thực sự biết liệu điểm số ở trường có bị gian lận hay không.

- Ông đánh giá thế nào về kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa được tổ chức tại Việt Nam?

Việt Nam nằm trong số các quốc gia thành công với việc cân bằng điều kiện thi công bằng và điều kiện sức khỏe trong trường học thông qua tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phương án tổ chức kỳ thi toàn quốc trước rồi mới thi bù đợt 2 đối với các tỉnh đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh thể hiện sự cân bằng tốt giữa những gì quan trọng và những gì có thể.

Với tất cả những gì tôi biết, tôi nghĩ Việt Nam là gương tốt về việc có thể tổ chức kỳ thi chất lượng cao trong điều kiện rất khó khăn vì đại dịch như thế này.

Hiện ông Andreas Schleicher đang giữ chức Giám đốc Giáo dục, kỹ năng kiêm Cố vấn đặc biệt về Chính sách Giáo dục cho Tổng Thư ký tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Với vai trò là thành viên chủ chốt của nhóm Quản lý cấp cao của OECD, ông Schleicher đã thúc đẩy các hợp tác toàn cầu về giáo dục và kĩ năng.

Ngoài các đánh giá về chính sách và phát triển quốc gia, ông chịu trách nhiệm về chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), khảo sát của OECD về kỹ năng người lớn (PIAAC), khảo sát quốc tế về dạy và học của OECD (TALIS), chương trình phát triển và phân tích tiêu chuẩn đánh giá hiệu suất của hệ thống giáo dục (INES).

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn