Việt kiều khó tiếp cận hàng "made in Vietnam"

Kinh tếThứ Bảy, 27/08/2011 11:08:00 +07:00

(VTC News)- Kiều bào ta đã thấy tin tưởng sản phẩm có mác "Made in Vietnam", nhưng rất khó tiếp cận bởi hàng Việt có mặt ở nước ngoài rất hạn chế.

(VTC News)- Kiều bào ta đã thấy tin tưởng sản phẩm có mác "Made in Vietnam", nhưng rất khó tiếp cận bởi hàng Việt có mặt ở nước ngoài rất hạn chế.

Muốn dùng hàng Việt nhưng lại quá ít

Hàng Việt Nam ở Pháp được bán khá nhiều, nhưng chủ yếu là thực phẩm và đồ ăn, rau quả …tập trung ở những thành phố lớn của nước này như: Paris, Macxay, Lyon, Nantes… Trong đó, thành phố Nantes là nơi sản xuất và bán nhiều loại nem nổi tiếng của Việt Nam, Paris có nhiều quán phở...

Trao đổi với PV VTC News, anh Võ Xuân Hoài – Tổng Thư ký Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) cho biết, giá cả các mặt hàng này đều cao hơn Việt Nam do thuế nhập khẩu. Hàng Việt Nam ở Pháp có đắt hơn trong nước, nhưng vẫn rẻ hơn hàng Pháp.

Anh Hoài thừa nhận: “Nói thật, nhiều sản phẩm của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng phương Tây từ phong cách thiết kế, mùi vị, logo, mẫu mã, hình thức đóng gói chưa thật sự thuyết phục khách hàng.

Ngoài thực phẩm, có một số nơi phân phối đồ thủ công mỹ nghệ, gốm sứ nhưng hiện tại chưa thực sự thành công lắm, hàng đó các nước cũng nhiều, nên khó cạnh tranh…”.

Cũng theo lời anh Hoài, trong khi số lượng người Việt sống ở Pháp khá đông gồm sinh viên du học và Việt Kiều song số lượng hàng hóa vẫn còn ít.

Được biết, dựa trên ý tưởng mỗi năm 1 thương hiệu vào Paris, Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp đã đứng ra thuê một gian hàng trong Hội chợ Thương mại Paris để quảng bá những sản phẩm có tiếng của Việt Nam như cà phê Trung Nguyên, chè Việt Nam…Ý tưởng được đưa ra từ năm 2010 và cuối tháng 4 vừa qua đã thành hiện thực. Trong thời gian 10 ngày từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, Hội đã đưa một số mặt hàng của các công ty Việt Nam sang giới thiệu với người tiêu dùng ở Pháp.

Gian hàng của các bạn sinh viên Việt Nam tại Pháp
 ở hội chợ Paris (Ảnh UEVF)


Được biết, thời gian qua Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp gửi thông điệp tới các bạn sinh viên khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Lượng hàng hóa Việt Nam bán ở Pháp chưa được nhiều, hiện mới chỉ có siêu thị Thanh Bình là nơi chuyên bán hàng Việt, nhưng giá lại khá cao. Ngoài ra, một số địa điểm khác chủ yếu bán nông thực phẩm.

Cũng như nhiều bạn sinh viên đang sống xa Tổ quốc, anh Hoài mong muốn, nguồn cung hàng Việt Nam bán ở nước ngoài đáp ứng được nhu cầu của người Việt, mẫu mã thiết kế có nhiều ý tưởng mới lạ, giá cả hợp lý hơn, để không chỉ bán cho người Việt Nam mà còn bán được cho người dân bản địa.

Tại Nga, một đất nước có khá đông người Việt Nam sinh sống, khi PV VTC News hỏi về số lượng hàng Việt bán ở nhiều thành phố, không ít bạn sinh viên đều lắc đầu buồn bã. Hàng Việt được bán chủ yếu cũng chỉ dừng lại ở thực phẩm và một số hàng may mặc.

Anh Hải Hoàn – Đạt giải thưởng Loa Thành năm 2009, hiện đang học thạc sỹ tại thành phố Saint Petersbourg cho biết: “Giá cả của hàng hóa Việt Nam nơi mình sống đắt gấp 4-5 lần gía trong nước. Không chỉ giá cao, mà nơi mình sống có quá ít số địa điểm bán hàng Việt Nam”.

Hàng ngày, anh cũng như nhiều bạn bè khác vẫn tự nấu cơm, chế biến các món ăn Việt Nam, địa điểm để tìm tất cả các nguyên liệu cần thiết là một khu chợ nhỏ. Theo lời anh Hoàn, trong khu chợ chỉ có duy nhất một người bán hàng Việt Nam. Ở sạp hàng đó có tất tần tật các thứ gia vị như nấm hương, mộc nhĩ, tỏi, gừng, phở khô, miến, mắm tôm… và cả rau muống rau cải.

Được biết, hầu hết rau được trồng ngay tại chỗ, nhưng mỗi năm cũng chỉ có rau Việt Nam trong vòng  6 tháng, nửa năm còn lại đất trời phủ trắng tuyết thì củ cải là lựa chọn thích hợp nhất.

Không chỉ có số lượng ít, mà ngay cả vị thế của hàng Việt được bán tại nơi anh Hoàn đang sinh sống cũng không bằng các sản phẩm đến từ châu Âu, Trung Đông. Đặc biệt, những mẫu quần áo của Việt Nam chưa thể cạnh tranh với những sản phẩm đã được người tiêu dùng Nga lựa chọn, trong khi đó rất nhiều các quốc gia khác cũng xuất khẩu đồ may mặc sẵn với chất lượng tốt vào thị trường này.

Anh Hoàn chia sẻ: “Nhiều lúc muốn dùng hàng nhập từ nhà mình sang, thấy thì tôi sẵn sàng mua ngay, nhưng ngặt nỗi không có bán”.

Là một người thích dùng hàng Việt, nhưng Chị Mai – Nghiên cứu sinh (thành phố Sendai – Nhật Bản) thường phải đặt hàng ở Tokyo qua mạng Internet, nhận hàng gửi đến qua đường bưu điện và sau đó thanh toán tiền.

Lý giải vấn đề này, chị Mai cho hay, Sendai nơi chị đang sống cách thủ đô Tokyo khoảng 300km,  trong khi hàng Việt Nam bán ở Nhật cũng chỉ tập trung ở các thành phố lớn, còn lại các vùng khác rất ít.

Chị Mai chia sẻ: “Về giá cả, hàng Việt thường cao hơn so với hàng Thái, hàng Trung Quốc. Ví dụ một chai nước mắm 700ml của Thái Lan là 180 yên, thì nước mắm cùng thể tích đó của Việt Nam khoảng 450 yên. Nên nhiều lúc thèm và nhớ hương vị Việt Nam mới dám mua về dùng”.

Dùng hàng “Made in Vietnam”… yên tâm

Định cư và sinh sống ở Cộng hòa Séc đã gần 10 năm, nhưng chị Lê hiện sống gần thành phố Pardubice luôn luôn hướng về Tổ quốc. Gia đình chị hàng ngày đều ăn những món ăn Việt Nam để vơi đi nỗi nhớ quê nhà.

Đồ ăn Tây dẫu có ngon đi chăng nữa cũng chỉ hợp với giới trẻ, còn những người lớn tuổi vẫn mua đồ Việt Nam để được thưởng thức hương vị Việt giữa xứ người. Mỗi tuần một lần, bố mẹ chị Lê tranh thủ ghé qua Trung tâm Thương mại Sapa, một khu chợ bán hàng hóa lớn nhất trong số những khu chợ của người Việt ở đất nước Trung Âu này cũng như toàn lãnh thổ châu Âu.

Theo lời chị Lê, nhiều gia đình Việt Nam ở Séc có thói quen lên Praha mua đồ Việt Nam ở chợ Sapa, các hàng hóa chủ yếu là mì tôm, miến, phở, mắm tôm, nước mắm, bánh kẹo gia vị…và ngay cả ở khu vực nơi chị và gia đình đang sống, hàng hóa Việt Nam cũng khá phong phú.

Chị Lê tâm sự: “ Bất cứ đồ ăn nào cũng được giới trẻ thưởng thức hết, nhưng ai cũng ưu tiên đồ Việt Nam, mọi người thích dùng hàng Việt chất lượng cao cũng như các loại thực phẩm từ quê nhà, vì tất cả có một mùi vị riêng, rất hấp dẫn”.

Ở Séc không chỉ có bán đồ ăn, thực phẩm Việt Nam như nhiều nước khác, mà ở đây còn có bán nhiều loại quần áo có nhãn “Made in Viet Nam”. Qua lời chị Lê, chúng tôi được biết một phần trong số đó là những sản phẩm được các doanh nghiệp lớn ở châu Âu đặt may ở Việt Nam, chất lượng tốt và được nhiều người ưa thích.

Trung tâm thương mại Sapa ( Praha - Cộng hòa Séc)

Chị Lê nói thêm: “Mỗi khi đi mua quần áo thấy mác “Made in Vietnam” là mình cảm thấy rất an tâm về chất lượng, dùng bền và lâu bị hỏng”.

Cũng cùng quan điểm với chị Lê, anh Huy ( Việt Kiều Australia) thường chọn những hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam và gắn mác " Made in Vietnam".

Anh cho biết: "Trước đây, hàng Việt Nam sang Australia ít thì mình khó lựa chọn, nhưng bây giờ hàng hóa xuất khẩu nhiều rồi, sản phẩm có "Made in Vietnam" là rất thích, vì mình muốn rút ngắn khoảng cách địa lý qua những bữa ăn hàng ngày, ngoài ra đó cũng là cách để thể hiện tình yêu với quê cha đất tổ".

Tại Hàn Quốc, anh Trần Hải Linh – Chủ tịch Hội người Việt Nam đồng thời là Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, để mua được hàng Việt Nam nhiều người phải đi khá xa. Bởi vì, hàng hóa được bán chung tại các khu đồ ăn châu Á.

Chính bản thân anh Linh cũng phải đi tới 50 km mới có thể mua được hàng Việt Nam. Vì vậy, theo lời anh Linh, có nhiều bạn sinh viên chỉ mua đồ ăn Việt Nam vào những dịp gặp mặt, cuối tuần hay muốn làm đồ ăn Việt Nam.

Trao đổi với PV VTC News, anh Linh cho rằng: “Khi sang nước ngoài, đặc biệt là tới Hàn Quốc, tôi thấy nước này nhập khá nhiều các loại hoa quả và một số sản phẩm đồ khô từ các nước nhiệt đới, tuy nhiên đáng tiếc là hầu như không thấy sản phẩm mang nhãn hiệu Việt Nam. Do vậy, theo tôi chúng ta nên sản xuất theo quy trình và đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn quốc tế, từ đó sẽ quảng bá và đưa sản phẩm thương hiệu Việt ra các nước trên thế giới. Điều này giúp cho người Việt Nam sống xa quê hương có điều kiện được sử dụng hàng Việt thường xuyên hơn”.

Gia Bảo    


Bình luận
vtcnews.vn