VIEBOT – Robot mô phỏng người ‘made in Vietnam’

Khoa học - Công nghệThứ Hai, 04/12/2017 17:54:00 +07:00

Chính thức ra mắt ngày 11/10, “cô” robot Việt Nam có tên là VIEBOT do PGS.TS Nguyễn Chấn Hùng cùng các cộng sự tại VIELINA (Viện nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa, Bộ Công thương) nghiên cứu và phát triển, được kì vọng sẽ mang lại nhiều đổi mới trong công tác xã hội cho người khuyết tật.

_DSC0040 3

PGS. TS Nguyễn Chấn Hùng (giữa) cùng nhóm nghiên cứu và robot VIEBOT

Chia sẻ với VTC News, PGS. TS Nguyễn Chấn Hùng – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa, Bộ Công thương cho biết, ông và các cộng sự của mình đã thực hiện ý tưởng về VIEBOT trong 2 năm, với sự hỗ trợ của Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Công thương.

Ông cũng cho hay, VIEBOT cao 1m70, mang giới tính nữ, có thể di chuyển và được lập trình để làm công tác quảng cáo truyền thông cho hội người khiếm thị - là một “cô” robot mô phỏng dạng người đầu tiên tại Việt Nam.

Robot mô phỏng dạng người đầu tiên tại Việt Nam

Được biết, trong nước hiện đã có một số sản phẩm robot đồ chơi, nổi trội hơn là robot đánh bóng bàn của Công ty TOSY đã có một số tính năng riêng, tuy nhiên robot đó vẫn còn có hạn chế và không có chức năng mô phỏng người như VIEBOT.

Theo ông Hùng, nhóm tác giả đã thiết kế VIEBOT theo hướng mô phỏng con người cả về diện mạo và kích thước và được module hóa để có thể tách thành các robot có chức năng chuyên biệt như xe tự hành, tay máy để có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

_DSC0068 3

VIEBOT trình diễn giúp đỡ người khiếm thị trong hội thảo chủ đề công tác xã hội cho người khuyết tật vào 10/2017

“Khả năng đặc biệt của robot này là có thể sao chép và bắt chước được những hành động của con người.

Chuyển động của thân và đầu robot có thể thực hiện được nhiều động tác linh hoạt. Nhờ các khớp bố trí mô phỏng giống như cánh tay thật nên cánh tay của robot có khả năng bắt chước được cử chỉ của con người và thực hiện được các động tác đơn giản. Bàn tay robot cầm được các vật dụng nhỏ khoảng dưới 500g. Hơn thế nữa, robot này có thể bám theo một mục tiêu cho trước là một người đang nằm trong tầm nhìn của nó. Trong quá trình bám theo mục tiêu, nó còn có thể tránh được các vật cản và các chướng ngại vật trên đường đi của mình nhờ sử dụng hệ thống cảm biến siêu âm và Camera. Khi có người đi qua, robot không bị nhầm lẫn giữa mục tiêu đang đeo bám và những nguồn nhiễu ở xung quanh.

Ngoài điểm nổi trội là bắt chước cử chỉ, robot còn được trang bị trí thông minh nhân tạo cho phép nhận dạng mặt một số người khi đã lưu ảnh trước trong bộ nhớ của mình, nhận dạng tuổi và giới tính, có khả năng tổng hợp tiếng nói ngôn ngữ tiếng Việt và có tích hợp hệ thống hội thảo truyền hình chất lượng cao cho phép người điều khiển có thể vừa điều khiển robot từ xa vừa có thể nói chuyện với những người đứng xung quanh nó bằng tiếng nói trực tiếp hoặc bằng tiếng nói tổng hợp.” - PGS. TS Nguyễn Chấn Hùng cho biết.

Robot giúp đỡ người khuyết tật

Theo PGS. TS Nguyễn Chấn Hùng, VIEBOT còn được thiết kế để có thể thực hiện các hành động dưới dạng kịch bản tương tác bao gồm cử chỉ tay, đầu, tiếng nói, chơi nhạc, video, v.v. khá linh hoạt theo tình huống mà robot nhận biết về xung quanh.

“Ví dụ: khi robot nhận dạng ra một người tên là A, hay một phụ nữ 30 tuổi, nó có thể được lập trình để thực hiện 1 vài động tác như vẫy tay chào và nói một số câu chào tên người đó hay chơi một bản nhạc phù hợp.

VIEBOT và các biến thể của nó có khả năng thu hút người xem rất tốt, do đó có tiềm năng ứng dụng trong tổ chức sự kiện, hay các lĩnh vực như giáo dục, dịch vụ, v.v. Ưu thế của robot so với con người là trí nhớ tốt hơn, không bị giảm theo thời gian, có khả năng lặp đi lặp lại các hành động mà không cảm thấy nhàm chán hay mệt mỏi.” PGS. TS Nguyễn Chấn Hùng chia sẻ.

_DSC0030

PGS. TS Nguyễn Chấn Hùng trả lời phỏng vấn của phóng viên về VIEBOT

PGS.TS Nguyễn Chấn Hùng cũng cho biết, VIEBOT được thiết kế để ứng dụng hỗ trợ người khuyết tật. Vì vậy, nhóm nghiên cứu có định hướng phát triển và thương mại hóa VIEBOT cho hoạt động quảng cáo, giáo dục, dịch vụ có liên quan đến người khuyết tật, người cao tuổi, v.v. Do đó, kể từ khi ra mắt đến nay, VIEBOT đã được áp dụng trong đúng lĩnh vực mà nó có thế mạnh. Đặc biệt, Trung tâm dạy nghề hội người mù thành phố Hà nội đã ứng dụng VIEBOT trong hội thảo để thu hút sự quan tâm của công chúng về Công tác xã hội cho người khuyết tật, từ đó nhận được sự quan tâm của các phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Chấn Hùng cũng cho biết thêm, trong tương lai gần, nhóm nghiên cứu vẫn tiếp tục phát triển các sản phẩm ứng dụng thị giác máy tính như thiết bị quảng cáo tương tác thông minh GDS – Green Digital Signage, sản phẩm Karaoke tương tác dùng công nghệ thực tại nâng cao (đã có sản phẩm mẫu) hay gậy dò đường có trí tuệ nhân tạo dùng cho người khiếm thị.

Tương lai của VIEBOT

Chia sẻ về tiềm năng của robot mô phỏng dạng người trong đời sống, PGS.TS Nguyễn Chấn Hùng cho hay, công nghệ Robotics có rất nhiều biến thể và sản phẩm như: xe tự lái, máy bay, tàu thủy không người lái, Web-bot, Chat-bot cho đến tên lửa hành trình (chúng có một số công nghệ chung như định vị dẫn đường, trí tuệ nhân tạo, thị giác máy, v.v.). Vì vậy ứng dụng của Robotics là vô hạn.

Tuy vậy, để áp dụng VIEBOT trong nhiều hoạt động thực tế hơn, theo PGS.TS Nguyễn Chấn Hùng nhận định, con đường trước mắt còn rất dài. “Theo tôi, để áp dụng VIEBOT vào thực tế cần phải phân tích kỹ hơn nhu cầu thị trường, khách hàng, (VD: nhu cầu của người khiếm thị/ khuyết tật). Ngoài ra còn cần tham khảo các sản phẩm robot có chức năng tương tự trên thế giới, từ đó chia phân khúc thị truờng, chọn phân khúc cụ thể và ứng dụng vào một số lĩnh vực nhỏ rất cụ thể như nhà hàng, bệnh viện.”

_DSC0026

“Cô” robot VIEBOT hướng dẫn khách mời là người khiếm thị tại buổi hội thảo

Thực tế, quá trình chế tạo, thiết kế VIEBOT, nhóm nghiên cứu đã gặp không ít khó khăn: từ vấn đề gia công cơ khí chính xác, nhân lực, kinh phí, tiếp cận thông tin công nghệ. “Công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn yếu nên việc gia công chế tạo các chi tiết máy mới là rất phức tạp, tốn kém và mất thời gian (trong khi ở nước ngoài rất thuận lợi). Đặc biệt kinh phí có hạn nên phải rất cân nhắc khi lựa chọn các phương án để có tính khả thi với độ tin cậy chấp nhận được. Khi kinh phí thoải mái, chế tạo một Robot dạng người với kích thước trọng lượng bằng người thật đã khó (như ASIMO chỉ cao 1,5m mà kinh phí chế tạo đã lên hàng triệu USD) thì khi chỉ có kinh phí hạn hẹp, việc thiết kế chế tạo Robot người càng khó khăn gấp bội.

Tuy nhiên nhóm vẫn có thuận lợi là đoàn kết, có tinh thần làm việc hăng say, luôn sáng tạo hết mình và không bao giờ dừng bước trước khó khăn.” – PGS. TS Nguyễn Chấn Hùng cho biết.

Vì vậy, khi được hỏi về các doanh nghiệp mong muốn chuyển giao công nghệ hoặc ứng dụng VIEBOT, PGS. TS Nguyễn Chấn Hùng khẳng định, các doanh nghiệp đó phải là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, có tầm nhìn, định hướng lâu dài, hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đặc biệt không quá chú trọng vào các lợi nhuận ngắn hạn. Chỉ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, có tiềm lực đủ mạnh, tầm nhìn đủ xa và có đầu ra thị trường tốt mới có thể làm cho công nghệ robotics này phát triển cao hơn và rộng rãi hơn nữa tại Việt Nam.

Video: Kết nối chuyển giao công nghệ - Máy Marketing cảm xúc GDS

Chia sẻ về kỳ vọng của mình dành cho VIEBOT, PGS.TS Nguyễn Chấn Hùng cho biết, ông hy vọng VIEBOT có thể góp phần thúc đẩy sự sáng tạo của người Việt, nhất là các bạn sinh viên và các nhà nghiên cứu có tâm huyết.

“Từng là giảng viên khoa Điện tử viễn thông trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐHBK) trong nhiều năm, đã từng nhiều lần hướng dẫn các đoàn SV xuất sắc của ĐHBK thi lập trình PROCON tại Nhật Bản, tôi nhận thấy các cuộc thi như ROBOCON hay PROCON, mặc dù chỉ dừng lại là một sân chơi sinh viên, cũng đã thúc đẩy sáng tạo cho nhiều thế hệ sinh viên.

Nếu chúng ta nâng tầm cuộc thi đó lên, tạo ra một sản phẩm sáng tạo và có ứng dụng cụ thể, thiết thực thì việc này có thể thúc đẩy mạnh mẽ việc nghiên cứu phát triển các công nghệ nền tảng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như Học máy, trí tuệ nhân tạo, Robotics, in 3D, v.v. Tôi tin là VIEBOT có thể làm được điều đó nếu được quan tâm đầu tư đúng mức."

VIEBOT là kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu phát triển robot dạng người ứng dụng công nghệ thị giác máy tính” của Bộ Công thương do PGS. TS Nguyễn Chấn Hùng làm trưởng nhóm.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn có các thành viên như: KS. Trần Xuân Đức, KS. Nguyễn Trung Hưng, KS. Nguyễn Hoàng Việt, KS. Nguyễn Mạnh Thắng, thuộc Viện NC Điện tử, Tin học, Tự động hóa, TS. Nguyễn Xuân Hạ, TS. Đặng Bảo Lâm, TS. Phạm Minh Hải, Viện Cơ khí ĐHBK HN, TS. Mai Ngọc Anh, Học viện KTQS. Đây là các cán bộ trẻ thuộc ngành Cơ điện tử hoặc Điện/Điện tử/CNTT, khoảng một nửa nhóm đã từng tu nghiệp lâu năm ở các nước công nghiệp phát triển như Đức, Anh, Tây Ban Nha, Tiệp, luôn mang trong mình tâm huyết tạo ra sản phẩm có hiệu quả ứng dụng rộng rãi trong xã hội.

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn