Vì sao Triều Tiên vẫn mùa màng bội thu bất chấp các lệnh trừng phạt

Thế giớiThứ Bảy, 23/09/2017 07:15:00 +07:00

Dù bị cảnh báo về tình trạng hạn hán và đứng trước các lệnh cấm vận liên tục về kinh tế, Triều Tiên vẫn tránh được nạn thiếu lương thực với sự phát triển của các mô hình sản xuất tư nhân.

Theo Reuters, mưa cuối mùa và sự phát triển của các nhà sản xuất tư nhân sẽ khiến Triều Tiên tránh được nạn thiếu lương thực khẩn cấp dù năm ngoái đã có những lo ngại hạn hán và các lệnh trừng phạt quốc tế sẽ ảnh hưởng đến nông nghiệp nước này.

Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) từng cảnh báo vào tháng 7/2017 về đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 16 năm xảy ra với Triều Tiên, cùng với quan ngại sâu sắc khi các khu vực sản xuất ngũ cốc chủ chốt ở nước này bị thiếu mưa trầm trọng.

nong-nghiep-trieu-tien-van-no-du-bat-chap-lenh-cam-cua-lien-hop-quoc-1

 Lãnh đạo Kim Jong-un chỉ đạo tại nông trại số 1116, đơn vị 810 Quân đội Nhân dân Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)

Theo Daily NK, người dân Triều Tiên phải hoãn lại đợt gieo cấy vì thời tiết quá khô hạn đầu mùa xuân, nhưng ngay sau đó trời đã mưa. Dựa trên hình ảnh vệ tinh của bộ Nông nghiệp Mỹ, chuyên gia về kinh tế Triều Tiên nhận định năng suất vụ mùa của Triều Tiên sẽ gần tương tự như năm ngoái.

Reuters cho biết, Triều Tiên từng trải qua nạn đói thảm khốc vào những năm 1990, khi thời tiết xấu, kinh tế suy thoái và mất trợ cấp dầu từ Liên Xô cùng tác động đến hệ thống phân phối công cộng (PDS). Trong khi đó, PDS là nguồn thực phẩm chính cho khoảng 70% dân số Triều Tiên.

Ngày nay, sự phát triển của thực phẩm được sản xuất tư nhân bán trong các chợ tại Triều Tiên đã dần dần chiếm lĩnh vai trò của PDS. Các chợ và siêu thị duy trì giá khá ổn định và tiếp tục trở thành nguồn cung cấp thực phẩm đáng tin cậy.

“Nhiều người dựa hoàn toàn vào chợ và các nông trại tư nhân để lấy thức ăn”, Sokeel Park từ tổ chức Tự do Triều Tiên cho biết. “Điều này có nghĩa là dữ liệu chính thức về thực phẩm Triều Tiên mà các tổ chức quốc tế có nên được xem xét cẩn thận".

Video: Triều Tiên rộn ràng ăn mừng sau vụ thử hạt nhân

Bên cạnh đó, sau nạn đói, nông dân cũng được tự chủ nhiều hơn để thay đổi linh hoạt trong mùa vụ, giảm nguy cơ thiếu lương thực và phụ thuộc vào nhập khẩu. Theo Reuters, lượng nhập khẩu ngũ cốc của Triều Tiên có giá trị khoảng 26,5 triệu USD trong năm 2016, giảm so với năm 2012 là 139 triệu USD. Tính từ tháng 1-6/2017, giá trị nhập khẩu ngũ cốc chỉ ở mức 10,6 triệu USD.

Một mối đe dọa khác với an ninh lương thực của Triều Tiên là các lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc sau thử nghiệm bom hạt nhân diễn ra trong tháng 9/2017. Trong nghị quyết mới, Liên Hợp Quốc đã cấm xuất khẩu dệt may và hạn chế nhập khẩu dầu thô và nhiên liệu đối với Triều Tiên.

Theo Reuters, sau lệnh cấm, giá xăng và dầu diesel tại Triều Tiên tăng mạnh. Theo Chương trình lương thực thế giới của Liên Hợp quốc (WFP), lệnh trừng phạt có thể ảnh hưởng đến các mặt hàng thiết yếu như dầu, đường, muối, dấm và sữa, vốn được các cửa hàng nhà nước của Triều Tiên nhập khẩu và kiểm soát cũng như phân phối với giá đã bình ổn.

Tuy nhiên, trái ngược với các nước đã phát triển, nông nghiệp Triều Tiên lại phụ thuộc vào hoạt động của nông dân nhiều hơn là cơ giới hóa thu hoạch và máy kéo. Vì vậy thiếu dầu có thể làm việc thu hoạch bị chậm lại nhưng về tổng quan vẫn sẽ không ảnh hưởng nhiều.

“Thiếu nhiên liệu không phải là một vấn đề mới, còn nông dân Triều Tiên thì khá dễ thích ứng", Linda Lewis từ tổ chức phi chính phủ về nông nghiệp Triều Tiên cho biết. Ngoài ra, WFP còn đang làm việc cùng chính phủ Triều Tiên để thực hiện những nghiên cứu chi tiết hơn cho an ninh lương thực.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn