Vì sao Hà Nội chọn Lịch sử là môn thi thứ tư vào lớp 10 năm 2021?

Tin tức - Sự kiệnThứ Sáu, 12/03/2021 16:25:00 +07:00
(VTC News) -

Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, các thí sinh thi vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022 với bốn môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và Lịch sử.

Về lý do lựa chọn Lịch sử là môn thi thứ tư vào lớp 10 THPT công lập năm 2021, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT cho biết, sáng nay (12/3) Ban tuyển sinh của Sở họp và bốc thăm ngẫu nhiên môn thi thứ tư trong số các môn Địa lý, Lịch sử, Sinh học, Hoá học, Vật lý, Giáo dục công dân nhằm đảm bảo tính minh bạch, khách quan trong quá trình triển khai các hoạt động của kỳ thi.

Đại diện ban tuyển sinh bốc thăm vào môn Lịch sử. Từ đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội ra quyết định công nhận môn thi thứ tư vào lớp 10 THPT công lập năm nay. Dự kiến lịch thi vào lớp 10 THPT công lập Hà Nội năm nay được tổ chức trong hai ngày 29 và 30/5.

Theo ông, Lịch sử là môn khoa học xã hội, không chỉ học thuộc lòng mà học sinh cần trang bị thêm các kỹ năng tư duy logic, hiểu bản chất của các sự kiện lịch sử và nắm được ý nghĩa, diễn biến chung. Môn Lịch sử không khó, nhưng nhiều học sinh vẫn sợ học là do các em chưa có phương pháp phù hợp. Môn học nào cũng có kiến thức khó và dễ khác nhau, giáo viên, học sinh cần bình tĩnh ôn tập, lên kế hoạch và chọn phương pháp đúng.

Vì sao Hà Nội chọn Lịch sử là môn thi thứ tư vào lớp 10 năm 2021? - 1

(Ảnh minh hoạ: W.S)

Trước những lo lắng của thí sinh về kết quả kỳ thi lớp 10 có thể bị sụt giảm khi Sở GD&ĐT Hà Nội quyết định thi bốn môn thay vì ba môn trong điều kiện việc học bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ông Đại cho biết, hiện hoạt động dạy và học ở các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đều diễn ra ổn định.

Đồng thời, trong thời gian học sinh tạm nghỉ do dịch COVID-19, việc học kiến thức mới được các nhà trường, thầy cô duy trì hiệu quả dưới hình thức học trực tuyến. Do đó, chương trình học, kế hoạch giảng dạy đang diễn ra theo đúng tiến độ quy định của Bộ GD&ĐT và đảm bảo chất lượng cho học sinh.

Sở GD&ĐT cũng thường xuyên kiểm tra, dự giờ đột xuất ở các trường từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông, đặc biệt là các lớp học sinh lớp 9 và lớp 12.

Người đứng đầu Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh, việc Hà Nội tổ chức thi bốn môn cho học sinh vào lớp 10 THPT công lập là thực hiện theo đề án nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và chất lượng toàn ngành giáo dục. Việc thi bốn môn sẽ tránh được tình trạng thí sinh học lệch, học tủ, chất lượng không được toàn diện. Đó là lý do vì sao Hà Nội vẫn quyết định thi bốn môn vào lớp 10, chỉ riêng năm 2020 học sinh tham gia thi ba môn do bị ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19.

Đồng thời, Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường và tổ nhóm bộ môn xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh; quan tâm đến học sinh có học lực yếu, kém, học sinh chưa chăm. Hướng dẫn ôn tập cho học sinh phải bám sát chương trình và chuẩn kiến thức, kỹ năng; chú ý phân hoá các đối tượng theo học lực để hướng dẫn ôn tập rèn kỹ năng làm bài. Hướng dẫn học sinh tự học, tự ôn tập với ôn theo nhóm và ôn tập trung cả lớp; tránh học lệch, học tủ.

Sở GD&ĐT cũng lưu ý các trường và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn thống nhất với học sinh và cha mẹ học sinh để sắp xếp thời gian hợp lý, đảm bảo sức khoẻ cho học sinh, có hiệu quả nhất nhưng không quá tải.

Năm học 2021-2022, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển theo hộ khẩu thường trú của học sinh (hoặc của bố, mẹ học sinh). Với một số trường hợp cụ thể, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ xem xét tạo điều kiện để các em được đổi khu vực tuyển sinh. Nếu học sinh có hộ khẩu ở địa bàn này nhưng cư trú thực tế tại nơi khác thì gia đình học sinh làm đơn, có xác nhận của chính quyền địa phương, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ xem xét, cho phép học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển ở khu vực tuyển sinh theo nơi cư trú thực tế.

Về nguyện vọng xét tuyển, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển tối đa vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, 2 và 3. Trong đó, nguyện vọng 1, 2 thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định; nguyện vọng 3 có thể thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.

Trường hợp học sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng thì có thể thuộc bất kỳ khu vực tuyển sinh nào (học sinh sẽ trúng tuyển nếu có điểm xét tuyển lớn hơn hoặc bằng điểm chuẩn trúng tuyển của trường). Trường hợp học sinh đăng ký 2 nguyện vọng thì nguyện vọng thứ nhất thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định; còn nguyện vọng thứ hai thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ (học sinh sẽ trúng tuyển nguyện vọng thứ hai nếu không trúng tuyển nguyện vọng thứ nhất và có điểm xét tuyển lớn hơn hoặc bằng 1,0 điểm so với điểm chuẩn trúng tuyển của trường).

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp