Vì sao Google chỉ là 'chiếu dưới' ở Trung Quốc?

Kinh tếThứ Ba, 23/04/2013 04:19:00 +07:00

(VTC News) - Mặc dù đang là dịch vụ tìm kiếm số 1 trên internet nhưng Google chưa bao giờ có được thành công tại thị trường đông dân nhất thế giới.

(VTC News) - Mặc dù đang là dịch vụ tìm kiếm số 1 trên internet nhưng Google chưa bao giờ có được thành công tại thị trường đông dân nhất thế giới.

Khi Google chỉ là "chiếu dưới"

Trong vòng 10 năm trở lại đây, ở mảng tìm kiếm, Google được ví như một "chiến binh" bách chiến bách thắng, mỗi khi xuất hiện ở thị trường nào là lập tức độc chiếm ngôi vị số 1.

Mặc dù vậy, dịch vụ tìm kiếm số 1 thế giới này vẫn còn "lận đận" ở một số quốc gia, tiêu biểu nhất trong số đó là Trung Quốc, thị trường tiềm năng nhất mà bất cứ công ty công nghệ nào cũng muốn có được.

Có thể Google là số 1 trên thế giới nhưng ở Trung Quốc, dịch vụ này chỉ đứng thứ 4 khi không thể cạnh tranh nổi với các hệ thống tìm kiếm bản địa.

Tính đến hết năm 2012, 3 dịch vụ tìm kiếm của Trung Quốc đã chia sẻ những vị trí dẫn đầu thị trường nước này khi Baidu (71.76%), Qihoo (10.39%), Sogou (7.92%) trong khi đó Google rất khiêm tốn với chỉ 5.07% .

baidu
Tại Trung Quốc, Baidu mới là dịch vụ tìm kiếm số 1 
Ở thị trường tìm kiếm có doanh thu lên tới 4,5 tỷ USD trong năm 2012 này Google tỏ ra hết sức yếu đuối và tội nghiệp. Nếu như việc thất bại trước một tên tuổi "lão luyện" như Baidu là hoàn toàn có thể hiểu được nhưng tụt hậu so với Qihoo, dịch vụ tìm kiếm mới chỉ ra mắt vào 2/2012 thì thật khó chấp nhận.

Không chỉ thất thế ở mảng tìm kiếm phổ thông trên PC ngay cả trong mảng tìm kiếm trên mobile, nơi được đánh giá là vô cùng tiềm năng, Google cũng bị các đối thủ bản địa bỏ xa.

Hết năm 2012, trong khi  3 tên tuổi của Trung Quốc chiếm lĩnh tới 80% thị phần gồm Baidu (35%), Tencent (23%) và Easou (22%) thì Google và các thương hiệu khác ngậm ngùi chia sẻ 20% còn lại.

Ở thị trường tìm kiếm có doanh thu lên tới 4,5 tỷ USD trong năm 2012 này Google tỏ ra hết sức yếu đuối và tội nghiệp.
Theo cây viết nổi tiếng Dan Levin của tờ New York Time nhận định, hiện Google đang thất bại một cách toàn diện tại thị trường tìm kiếm Trung Quốc.

Không chỉ ở hiện tại, mà ngay cả trong tương lai 5 đến 10 năm nữa cũng khó xảy ra khả năng Google chiếm lĩnh được ngôi vị số 1 tại đất nước có tới 800 triệu người dùng internet này.

Cùng bắt tay tiêu diệt "ngoại xâm"

Thay vì cạnh tranh trực tiếp lẫn nhau, các hãng tìm kiếm Trung Quốc lại tỏ ra khá đoàn kết khi cùng đặt mục tiêu đẩy Google ra khỏi đất nước này lên hàng đầu.

Cụ thể hơn, các tên tuổi bản địa đã phân chia rõ ràng thị phần tìm kiếm nhằm tránh dẫm chân lên nhau, qua đó cũng tạo áp lực cạnh tranh lớn hơn đối với Google.

Nếu như trên mảng tìm kiếm dạng từ khóa thông thường, Baidu hiện là "đầu tầu" với các thuật toán tìm kiếm tiếng Trung vượt trội so với Google. Thì ở các mảng "ngách" như video, nhạc sẽ do Qihoo đảm nghiệm còn mảng tìm kiếm theo dạng thư viện sẽ được Sogou phụ trách.

Như vậy có thể thấy, dù là ngạch chính hay phụ, Google cũng khó có cơ hội chen chân vào thị trường này.

Sogou
Những dịch vụ tìm kiếm bản địa như Sogou luôn được chính phủ Trung Quốc ưu đãi 
Mặc dù có thể kể ra nhiều lý do khiến Google thất bại tại Trung Quốc nhưng nguyên nhân chính lại được cho là bắt đầu từ chính phủ nước này.

Qua những sự kiện từng diễn ra, có thể thấy một mặt giới cầm quyền Trung Quốc ủng hộ toàn diện các dịch vụ internet bản địa nhưng mặt khác lại tỏ ra vô cùng khắt khe với các tên tuổi đến từ nước ngoài.

Tiêu biểu nhất là sự kiện Google chính thức rút khỏi Trung Quốc tại thời điểm tháng 3/2010 vì những mâu thuẫn trong khâu kiểm duyệt nội dung với chính phủ nước này. Sau thời điểm đó, người dùng internet Trung Quốc khi tìm kiếm trên phiên bản google.cn sẽ được chuyển tiếp tới các máy chủ tại Hồng Kông, nơi các truy vấn không bị kiểm duyệt.

Mặc dù vậy theo cộng đồng mạng của Trung Quốc phản ánh, nhiều lúc khi truy cập vào website của Google dành cho người dùng nước này google.cn hay bị tự động chuyển sang dịch vụ tìm kiếm bản địa baidu.com.

Được biết, thời điểm Google rút khỏi Trung Quốc cũng là thời điểm Baidu vươn lên mạnh mẽ nhất và thống lĩnh toàn bộ thị phần tìm kiếm tại quốc gia này.

Tuy thắt chặt quản lý nội dung với các công ty nước ngoài nhưng với tên tuổi bản địa, chính phủ Trung Quốc lại tỏ ra khá "thân thiện". Điển hình với trường hợp của Baidu, khi dịch vụ tìm kiếm nhạc Mp3 chiếm tới 40% lượng truy cập, lại cho phép người dùng tải miễn phí nhưng không hề bị giới cầm quyền đả động đến. Hay như kho ebook lậu lớn nhất thế giới Sogou vẫn ung dung tồn tại.

Cho đến nay tương lai của Google tại Trung Quốc vẫn hết sức mờ mịt, kể từ khi rời bỏ đất nước này năm 2010, hãng đã có nhiều lần làm việc với chính phủ nhằm quay lại nhưng vẫn chưa đạt được kết quả nào đáng kể.

Tuy nhiên, theo giới chuyên môn nhận định với những gì đã và đang diễn ra tại đất nước đông dân nhất thế giới này, dù có "xâm chiếm" thêm lần nữa, triển vọng của Google cũng không mấy khả quan.

Hà Thanh

Bình luận
vtcnews.vn