Vì sao các nước chạy đua thám hiểm vùng đất cực Nam Mặt trăng đầy nguy hiểm?

Khám pháThứ Sáu, 25/08/2023 17:24:00 +07:00

Cực Nam Mặt trăng – đầy rẫy miệng núi lửa và hào sâu, nơi từng chứng kiến những cuộc đổ bộ thất bại vì sao lại thúc đẩy cuộc chạy đua không gian giữa các cường quốc?

Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã hạ cánh thành công lên cực Nam của Mặt trăng ngày 23/8 - một sứ mệnh sẽ thúc đẩy các tham vọng không gian của nước này và mở rộng hiểu biết về băng trên Mặt trăng - có tiềm năng trở thành một trong những nguồn tài nguyên giá trị nhất.

Hình ảnh Mặt trăng được quan sát từ tàu vũ trụ Chandrayaan-3. (Ảnh: Reuters)

Hình ảnh Mặt trăng được quan sát từ tàu vũ trụ Chandrayaan-3. (Ảnh: Reuters)

Chúng ta đã biết gì về sự tồn tại của nước đóng băng trên Mặt trăng và tại sao các cơ quan vũ trụ cũng như các công ty tư nhân lại coi đây là chìa khóa cho việc định cư và khai mỏ trên Mặt trăng cũng như các sứ mệnh tương lai tới sao Hỏa?

Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ được phóng vào không gian ngày 14/7/2023. Trước đó, Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc là 3 quốc gia duy nhất hạ cánh mềm thành công xuống Mặt trăng.

Các nhà khoa học phát hiện nước trên Mặt trăng thế nào?

Đầu những năm 1960, trước khi tàu Apollo đầu tiên hạ cánh, các nhà khoa học dự đoán rằng nước có thể tồn tại trên Mặt trăng. Dù vậy, các mẫu vật mà các phi hành gia của tàu Apollo mang về để phân tích vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970 dường như đều khô ráo.

Năm 2008, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Brown xem xét lại các mẫu vật Mặt trăng trên bằng công nghệ mới và phát hiện ra hydro bên trong những hạt nhỏ của thủy tinh núi lửa. Năm 2009, một công cụ của NASA trên tàu thăm dò Chandrayaan-1 của Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ phát hiện ra nước trên bề mặt Mặt trăng.

Cũng trong năm này, một tàu thăm dò khác của NASA đã phát hiện ra băng dưới bề mặt của Mặt trăng. Một sứ mệnh trước đó của NASA - tàu vũ trụ Lunar Prospector vào năm 1998 từng tìm thấy bằng chứng cho thấy sự tập trung băng ở mức cao nhất trong các miệng núi lửa được thăm dò của cực Nam.

Tại sao nước trên Mặt trăng lại có vai trò quan trọng?

Các nhà khoa học quan tâm đến những khối băng cổ xưa bởi chúng có thể cung cấp thông tin về các núi lửa trên Mặt trăng, các chất liệu mà sao chổi và tiểu hành tinh mang tới Trái Đất cũng như nguồn gốc của các đại dương.

Nếu tồn tại một lượng băng dồi dào, đây có thể là nguồn nước uống cho các cuộc thám hiểm Mặt trăng và giúp làm lạnh thiết bị. Nó cũng có thể được sử dụng để tạo ra hydro cho nhiên liệu và oxy để thở, hỗ trợ các sứ mệnh tới sao Hỏa hoặc khai mỏ trên Mặt trăng.

Hiệp ước về vũ trụ của Liên Hợp Quốc năm 1967 cấm bất kỳ quốc gia nào tuyên bố quyền sở hữu Mặt trăng. Dù vậy không có điều khoản nào cấm các hoạt động thương mại.

Hiệp ước Artemis do Mỹ dẫn đầu nhằm thiết lập các quy tắc thám hiểm Mặt trăng và sử dụng các nguồn lực của nó đã được 27 bên ký kết. Trung Quốc và Nga không ký hiệp ước này.

Vì sao thám hiểm cực Nam Mặt trăng là nhiệm vụ thách thức?

Trên thực tế, trước đó đã có các cuộc đổ bộ thất bại lên Mặt trăng. Tàu vũ trụ Luna -25 của Nga dự kiến hạ cánh ở cực Nam nhưng đã mất kiểm soát và đâm xuống bề mặt Mặt trăng ngày 20/8.

Cách xa khu vực xích đạo - vốn là mục tiêu phổ biến của các sứ mệnh trước đó, cực Nam Mặt trăng đầy các miệng núi lửa và hào sâu. Cả Mỹ và Trung Quốc đều đã lên kế hoạch cho các sứ mệnh khám phá cực Nam Mặt trăng.

Kiều Anh(VOV.VN )
Bình luận
vtcnews.vn