Vì sao Bộ Tài chính phải ra 'tối hậu thư' cho Bộ Công thương về cáo bạch Sabeco, Habeco?

Kinh tếThứ Tư, 27/09/2017 14:08:00 +07:00

Đến ngày 30/9/2017, Bộ Công Thương chưa hoàn thành việc công bố bản cáo bạch về việc thoái vốn Nhà nước tại Sabeco hoặc Habeco thì Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ này bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn tại hai doanh nghiệp này sang SCIC.

Tại buổi buổi họp báo chuyên đề "Giới thiệu chính sách về cổ phần hóa DNNN năm 2017 và Kế hoạch tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020", đại diện Bộ Tài chính cho biết, lũy kế 09 tháng đầu năm 2017, đã có 34 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 11/44 doanh nghiệp thuộc Danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hóa năm 2017 ban hành kèm theo công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi 23 đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011 – 2016. 

Tổng giá trị thực tế của 34 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 80.636  tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 20.881 tỷ đồng.

biasaigon1436140695-1135

 Sabeco và Habeco bị đốc thúc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa (ảnh minh họa) 

Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 34 đơn vị là 25.873 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 12.646 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.941 tỷ đồng, bán cho người lao động 205 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 20 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 5.060 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho biết, thời gian qua, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước quy mô lớn cũng tích cực đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa như triển khai kế hoạch cổ phần hóa tại Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), các Tổng công ty phát điện 1, 2 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Công bố giá trị doanh nghiệp tại Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam... 

Về vấn đề thoái vốn Nhà nước tại 2 ông lớn ngành bia là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đang ở giai đoạn cuối. 

Video: Một người Việt uống 42 lít bia mỗi năm, doanh nghiệp đua nhau giành mỏ vàng

Cục Tài chính doanh nghiệp trình Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Giao Bộ Công Thương đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện bán toàn bộ vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco, đảm bảo hoàn thành xong để chuyển tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 01/12/2017. 

Trường hợp đến ngày 30/9/2017, Bộ Công Thương chưa hoàn thành việc công bố bản cáo bạch thoái vốn nhà nước tại Sabeco hoặc Habeco, trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn tại Sabeco và Habeco sang SCIC để đảm bảo việc thoái vốn nhà nước.

Việc chuyển giao sẽ đảm bảo tiến độ thoái vốn nhanh hơn do SCIC là tổ chức chuyên trách thoái vốn, đã có kinh nghiệm, quy trình thoái vốn nhà nước số lượng lớn; đảm bảo cải cách hành chính, tăng trách nhiệm, theo sát nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch. Đồng thời giúp Bộ Công Thương tập trung hoàn thành các nhiệm vụ về quản lý nhà nước được Chính phủ giao. 

(Nguồn: Nhà Đầu Tư)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn