Chuyện chưa kể về vị bác sĩ đỡ đẻ 'mát tay nhất' bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Sức khỏeThứ Ba, 04/07/2017 12:39:00 +07:00

Đến bây giờ, vào bệnh viện phụ sản vẫn nghe mọi người kể về giai thoại bác sĩ Khải tự đỡ đẻ cho bà xã tại nhà.

Dù đã đặt lịch hẹn trước với một bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nhưng tôi vẫn phải chờ gần nửa tiếng đồng hồ vì anh mới có một ca bệnh khá nguy hiểm phát sinh vào giờ nghỉ trưa.

benhvienphusan_6ee2d

Bệnh viện phụ sản Hà Nội 

"Đó là một ca mổ đẻ, sản phụ là người Thái Bình, chỉ muộn một vài phút thôi thì nguy hiểm đã có thể xảy ra. May mắn, chúng tôi đã xử lý thành công. Giờ chỉ cần hồi sức cấp cứu tốt là mẹ và bé sẽ sớm khỏe mạnh", bác sĩ Lưu Quốc Khải - Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nói.

Giai thoại về bác sĩ tự đỡ đẻ cho vợ tại nhà

Mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi về cái duyên với nghề sản khoa, bác sĩ Khải kể thời điểm anh ra trường xin việc rất khó. Trước khi được kí hợp đồng, anh phải làm không lương ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hơn 2 năm. Khoảng thời gian làm không lương ở bệnh viện, những buổi tối anh thu nhập thêm bằng cách đi làm bảo vệ cho các cơ quan khác.

Nhìn bạn bè cùng khóa đều thành công ở các bệnh viện lớn, trong khi mình vẫn phải học việc không lương, tối đi làm bảo vệ kiếm thêm thu nhập nhưng anh không bao giờ chạnh lòng. Với anh, nếu không hài lòng với những gì mình có thì phải phấn đấu chứ không thể ngồi mà đố kị với những người khác.

Thời điểm bác sĩ Khải đi làm không lương đúng vào giai đoạn vợ anh đang mang bầu. Đến bây giờ, vào bệnh viện phụ sản vẫn nghe mọi người kể về giai thoại bác sĩ Khải tự đỡ đẻ cho bà xã tại nhà.

IMG20161221132555[1]

Bác sĩ Lưu Quốc Khải. 

"Khi vợ tôi chửa gần 9 tháng, nếu theo tính toán phải còn vài tuần nữa mới đẻ thì tôi mới có thời gian xoay sở, kiếm tiền. Hôm đó cô ấy chuyển dạ sớm quá nên là trong nhà chỉ có mấy nghìn đồng.

Tôi nhớ là chỉ đủ tiền để mua bao thuốc lá nếu phải mời bác sĩ. Thời điểm đấy đi làm không lương ở đây mình bé lắm, chẳng ai biết đến mình cả cho nên rất là tự ti khi đưa vợ mình lên trên đây đẻ. Thế rồi tôi quyết định là đỡ đẻ cho vợ tại nhà", bác sĩ Khải nói.

Trước khi quyết định đỡ đẻ cho vợ tại nhà bác sĩ Khải cũng biết vợ đẻ ngôi ngược. Đỡ đẻ ngôi ngược (ngôi mông) rất khó. Đến tận bây giờ, đỡ đẻ ngôi mông không phải ai cũng làm được. Sau khi đỡ đẻ cho vợ tại nhà, ngày hôm sau giao ban anh vẫn đi làm bình thường.

 
Nếu được sự lựa chọn 50/50, tôi vẫn ưu tiên cho người nghèo, người ở xa và vợ bộ đội trước bởi người ta không có chỗ bấu víu. Mình không có lý do gì làm người ta buồn thêm cả.

Bác sĩ Lưu Quốc Khải

Anh vẫn nhớ như in câu nói của bà phó giám đốc trong buổi giao ban: "Nghe nói có trường hợp đỡ đẻ ngôi mông tại nhà là bác sĩ đang học việc mấy ngày tại viện này. Riêng cậu này có thể cho vào biên chế được". Đó chính là một niềm động lực để anh cố gắng nhiều hơn.

'Tôi sẽ ưu tiên cho người nghèo và bộ đội'

Xuất phát từ một cậu thanh niên nông thôn đi bộ đội, cũng trải qua khó khăn, vất vả rồi mới về đi thi đại học. Cho nên, khi có vị trí nhất định bác sĩ Khải rất ưu ái cho người nghèo, người vùng sâu vùng xa và bộ đội.

"Nếu được sự lựa chọn 50/50, tôi vẫn ưu tiên cho người nghèo, người ở xa và vợ bộ đội trước bởi người ta không có chỗ bấu víu. Mình không có lý do gì làm người ta buồn thêm cả. Có thể mình không tạo cho người ta bằng vật chất được những lời động viên, chia sẻ cũng sẽ khiến bệnh nhân nguôi ngoai hơn", bác sĩ  Khải nói.

Anh kể về một kỉ niệm với bệnh nhân là vợ quân nhân: "Tôi mổ cho một bệnh nhân tên là Nga, vợ một anh lính đặc nhiệm bị tiền sản giật. Trước khi mổ, tôi hỏi chồng đâu, bạn ấy không nói gì mà chỉ rớt nước mắt.

Hỏi lò dò một lúc mới biết, nhà nước đang có công việc, lính đặc nhiệm phải đi bám địa bàn. Nhà ngay ở Cổ Nhuế nhưng vợ đẻ mấy ngày sau mới được về".

bp43

Bác sĩ Khải luôn ưu tiên cho người nghèo và bộ đội. (Ảnh minh họa)

Thông thường, sau khi mổ xong các bác sĩ sẽ gọi người nhà vào giải thích. Anh bộ đội có vẻ cũng có hoàn cảnh khó khăn và tỏ ra tự ti trước bác sĩ. Thấy vậy, bác sĩ Khải trấn an luôn: "Tớ cũng là bộ đội rồi. Cậu không phải bận tâm chuyện ấy. Đừng bao giờ phải lo lắng". Sau lời trấn an tinh thần của bác sĩ Khải, anh lính đặc nhiệm đã nói chuyện thoải mái, tự tin hơn.

Thẳng thắn thừa nhận sai lầm

Khi hỏi về những câu chuyện "bác sĩ tắc trách" khiến sản phụ hay thai nhi gặp sự cố bác sĩ Khải không né trách mà thẳng thắn trả lời rất nghiêm túc.

Với anh, sự thẳng thắn sẽ giúp người ta biết thực trạng người ta đang ở mức nào. Việc bệnh nhân từ chỗ sinh lý sang bệnh lý rất là nhanh. Trong thời gian đó, nếu kiến thức của bác sĩ không tốt, không vững vàng, không linh hoạt thì người ta không chạy kịp với diễn biến của người bệnh thường bị quy kết là tắc trách.

Bác sĩ Khải cho rằng, vẫn có người tắc trách thực sự. Ví dụ có những bệnh nhân không nặng lắm, có những bệnh nhân nặng phải cấp cứu, có những bệnh nhân do mối quan hệ gia đình của nhân viên.

anh-5b648

 Bác sĩ Khải thăm khám cho bệnh nhân. 

Thông thường, người ta hay xử lý người nhà nhân viên trước. Còn nếu mà những người làm có kinh nghiệm phải biết lọc những bệnh nhân nặng trước, những người nào vừa vừa sau đấy những nhóm bệnh nhân này sẽ phải xử lý như thế nào.

Bác sĩ Khải cũng thẳng thắn thừa nhận, trong những năm công tác tại bệnh viện, anh cũng có những lần mắc những sai lầm về chuyên môn. Việc làm đầu tiên của anh đó là nhận lỗi với gia đình bệnh nhân, sau đó là nhận lỗi với lãnh đạo.

"Nếu mình cứ lấp liếm, lừa cả lãnh đạo, lừa cả người nhà bệnh nhân thì là không chấp nhận được. Khi bản chất con người là dối trá thì người ta sẽ thường xuyên nói dối để che đậy những việc làm chưa tốt. Sau những lần chân thành nhận lỗi ấy thì người nhà bệnh nhân không một người nào oán trách, người ta đều thông cảm và chia sẻ với tôi", bác sĩ Khải nói.

Video: Bác sĩ lập phòng mổ dã chiến trên gác xép, cứu sản phụ "nguy kịch" ở Thái Bình

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn