Văn bản yêu cầu tạm dừng tách thửa của Hà Nội bị Bộ Tư pháp 'tuýt còi'

Tin nóngThứ Tư, 19/04/2023 21:25:05 +07:00

Bộ Tư pháp vừa yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra, xử lý văn bản yêu cầu tạm dừng tách thửa đất vì không có cơ sở pháp lý và sai thẩm quyền.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội, đề nghị kiểm tra, xử lý Công văn số 1685 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa.

Công văn 1685 nêu rõ: "Đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở".

Văn bản yêu cầu tạm dừng tách thửa của Hà Nội bị Bộ Tư pháp 'tuýt còi' - 1

(Ảnh minh họa).

Theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, tách thửa là quyền của người sử dụng đất khi áp dụng đầy đủ các điều kiện và được thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Vì vậy, việc tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến tách thửa đất không có cơ sở pháp lý về nội dung và không thuộc thẩm quyền của Sở. Ngoài ra, điều này có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.

Bộ Tư Pháp nhận định công văn 1685 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật, nên việc ban hành văn bản này là hành vi bị nghiêm cấm (quy định tại khoản 2, Điều 14, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Bộ Tư pháp đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo việc tự kiểm tra, xử lý công văn 1685 theo quy định để đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp, kỷ luật, kỷ cương.

Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ban hành công văn 1685 về việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất. Trong đó, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng phân lô, tách thửa đối với đất nông nghiệp; đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất; đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.

PV(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn