Ủy viên Bộ Chính trị Vương Đình Huệ: Cần kiểm toán dự toán ngân sách trình Quốc hội

Thời sựThứ Tư, 23/03/2016 01:23:00 +07:00

Thảo luận tại tổ sáng 23/3, nhiều vấn đề kinh tế, tài chính được các đại biểu Quốc hội đưa ra thảo luận.

(VTC News) - Thảo luận tại tổ sáng 23/3, nhiều vấn đề kinh tế, tài chính được các đại biểu Quốc hội đưa ra thảo luận. 

Chính phủ đã rất chủ động, kiên trì với việc thay đổi mục tiêu kinh tế

Đóng góp ý kiến cho hoạt động của Quốc hội, đại biểu Bình Định Vương Đình Huệ cho hay, về báo cáo của Chủ tịch nước, theo Hiến pháp sửa đổi, Chủ tịch nước ngày càng làm tốt hơn vai trò của mình. 
Nhưng Chủ tịch nước cũng là đại diện Việt Nam ký hiêp định về vay vốn, trong khi việc này liên quan tới nợ công, bội chi ngân sách. Do vậy, ông Huệ đề xuất, Văn phòng Chủ tịch nước phải có chuyên gia, có vụ chuyên trách am hiểu về lĩnh vực này.

Ủy viên Bộ Chính trị Vương Đình Huệ trong buổi thảo luận tổ sáng nay
Ủy viên Bộ Chính trị Vương Đình Huệ trong buổi thảo luận tổ sáng nay 

Trong khi đó nhận xét về báo cáo Chính phủ, ông Huệ cho rằng, cần làm nổi bật tính chủ động của Chính phủ trong việc đề nghị Trung ương điều chỉnh mục tiêu các kinh tế.
“Đầu nhiệm kỳ chúng ta chưa thấy hết tác động của khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới, sau đó Chính phủ đã rất nhạy bén và Trung ương, Quốc hội kịp thời điều chỉnh mục tiêu. Đây là việc có tính chất chiến lược và giờ đây nhìn lại thì đó là quyết định chính xác” – ông Huệ phân tích.
Cho rằng, việc điều chỉnh này được thực hiện nhất quán, kiên trì, ông Huệ cho rằng, Chính phủ đã đạt được mục tiêu kép: kinh tế tăng trưởng năm sau tốt hơn năm trước, kìm chế lạm phát… đó là các thành tích ấn tượng nhất. 

“Lúc đầu thắt chặt đầu tư công nghe thì khiếp lắm, tỉnh nào cũng kêu, nhiều công trình dở dang. Nếu không kiên trì theo đuổi quyết định trên thì sẽ rất nản. Đó là điểm cần làm rõ, đưa vào phần kinh nghiệm và là bài học rất tốt cho nhiệm kỳ tới đây của Chính phủ” – ông Huệ nêu quan điểm.
Cho ý kiến về hoạt động nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán Nhà nước, ông Huệ cho hay, cần có các cuộc kiểm toán chuyên đề, đi sâu vào cuộc sống như nợ công, nợ xấu, cổ phần hóa, chủ trương xã hội hóa các trạm BOT… Đồng thời công khai, minh bạch hóa các cuộc giám sát.
“Tôi cũng đề nghị cần có kiểm toán dự toán ngân sách để gửi cho Quốc hội xem xét, cân nhắc vì thời gian thảo luận ngân sách ngắn, đại biểu không có điều kiện tìm hiểu sâu. Các nước còn có quy định kiểm toán dự toán. Còn ở nước ta hiện nay chúng ta làm xong xuôi, an bài rồi thì chỉ kỳ sau mới có thể rút kinh nghiệm” – ông Huệ nói.
Ngoài ra, ông Huệ cũng đề xuất cần tăng thêm hiệu quả hoạt động của kiểm toán khu vực. Hiện cả nước mới có 13 kiểm toán khu vực.
“Ông kiểm toán khu vực có được tham dự kỳ họp HĐND không? Nếu không được tham dự thì phải phối hợp để quản lý chặt chẽ việc sử dụng ngân sách như thế nào? Tôi thiết tha đề nghị vấn đề này và kiểm toán viên phải dựa vào địa phương” – ông Huệ nói.

Lo vi phạm pháp luật khi thực hiện Luật Đầu tư công 
Trong khi đó đại biểu Nguyễn Thị Thanh, đoàn Ninh Bình cho hay, bà lo ngại về việc triển khai Luật Đầu tư công hiện đang rất lúng túng và không cẩn thận trở thành điểm nghẽn khó khăn và vi phạm pháp luật ở đây.
Theo bà Thanh, “Luật quy định, hội đồng thẩm định cũng chính là thành viên UBND, trong khi bên B đã đi sâu vào đó sau đó gửi sang HĐND địa phương để thẩm định thì đã an toàn cho bên B. Câu chuyện này sẽ rất nhiều vấn đề và rất lo lắng”.
Liên quan tới việc giảm nguồn vốn ODA ưu đãi cho Việt Nam trong giai đoạn tới, ông Bùi Đức Thụ, đại biểu Lai Châu cho biết, Ngân hàng Thế giới đã thông báo từ năm 2017 sẽ cắt giảm nguồn vốn này cho Việt Nam.
“Trong bối cảnh đó, rõ ràng chúng ta cần cân đối để đầu tư hạ tầng và đảm bảo nhiệm vụ khác của nhà nước. Cần tính toán lại thu, chi ngân sách, giãn giảm cho phù hợp, đảm bảo mức bội chi hợp lý, giữ nợ công trong giới hạn an toàn nhưng vẫn phải đảm bảo được đầu tư trọng yếu và dự án không kéo dài làm giảm hiệu quả của đầu tư. Đây là bài toán lớn cần đặt ra” – ông Thụ nói.
Ngoài ra, ông Thụ cho rằng, cần xem xét việc sử dụng vốn ODA “vung tay quá trán”, sử dụng khong hiệu quả. Những năm qua, việc triển kahi dự án, giải phóng mặt bằng chậm. Vốn ODA cam kết thường cao hơn rất nhiều so với ODA giải ngân. Trong giai đoạn 2006-2010, giải ngân ODA chỉ bằng 6-70% của số đã ký kết.

Cuối cùng, ông Thụ cho rằng, cần tăng cường trách nhiệm người sử dụng vốn vay ODA.
“Việc cho vay nguồn vốn này phải tính tới khả năng thu hồi vốn, hoàn vốn, đối tương thụ hưởng vốn, phải căn cứ vào thực trang tài chính - kinh tế của từng địa phương theo hướng: địa phương nào phát triển thì tăng tỉ lệ ODA cho vay lại và giảm tỷ lệ cấp phát bằng con đường ngân sách. Còn tỉnh nghèo thì cho vay ODA giảm xuống, đầu tư, cấp không hoàn lại tăng lên”- ông Thụ nói.


Song Đào

Bình luận
vtcnews.vn