Uống bia sau bao lâu mới hết nồng độ cồn?

Tư vấnThứ Ba, 02/01/2024 13:34:00 +07:00
(VTC News) -

Uống bia sau bao lâu thì hết nồng độ cồn trong máu và cơ thể?

Nhiều người thắc mắc sau uống rượu bao lâu thì không còn nồng độ cồn trong máu, người uống có thể tiếp tục tham gia giao thông mà không bị phạt.

Uống bia sau bao lâu thì hết nồng độ cồn?

Báo VietNamNet dẫn lời Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng cho biết, 1 đơn vị cồn tương đương 10g ethanol nguyên chất 200ml bia, 1 ly rượu vang 75ml, 1 chén rượu mạnh 25ml.

Một đơn vị cồn cần 1 tiếng phân hủy hoàn toàn qua đường hô hấp và bài tiết khoảng 15%, còn lại là cồn được đào thải tại gan.

Hai lon bia sẽ tương đương với 3 đơn vị cồn và chúng ta sẽ mất khoảng 3 tiếng để thải trừ cồn. Tuy nhiên, sau khi thải trừ, cơ thể cần 2-3 tiếng để cồn trong hơi thở được phát tán hết. Khi đó, bạn thổi nồng độ cồn sẽ không dương tính. Như vậy, 2 lon bia bạn sẽ mất khoảng 6 tiếng để có thể đưa nồng độ cồn về 0.

Một số trường hợp cơ thể đào thải chậm hơn hoặc nhanh hơn nhưng bạn cũng nên thận trong. Có người uống từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở vẫn còn, nhưng có người thì không. Những người có chức năng gan suy yếu hay có cơ thể chuyển hóa chậm hơn sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Tác hại của rượu bia đối với sức khoẻ

Rượu bia không chỉ khiến bạn bị xử phạt nặng khi lái xe mà rượu bia còn gây ra nhiều hệ luỵ đối với sức khoẻ.

Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn nguồn Viện Chiến lược và Chính sách y tế chỉ rõ, rượu, bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tai nạn giao thông ở nam giới trong độ tuổi từ 15 - 49 ở nước ta. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 15.000 người tử vong do tai nạn giao thông, trong đó khoảng 4.800 người liên quan đến rượu, bia.

Còn thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tai nạn giao thông ở Việt Nam ước tính chiếm hơn 36% ở nam giới và gần 1% ở nữ giới và khoảng 70% số vụ phạm pháp hình sự có nguyên nhân xuất phát từ sử dụng rượu, bia ở nhóm dưới 30 tuổi.

Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ethanol hay rượu thông thường cơ bản là 1 chất độc. Ethanol hay rượu gây tổn thương não, đặc biệt là hệ thần kinh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đặc biệt, đối với người trẻ, nếu uống với lượng lớn, lạm dụng thì sẽ rất dễ bị ngộ độc.

BS Nguyên cho rằng, thời gian từ lúc uống rượu đến khi có xét nghiệm âm tính (không còn nồng độ cồn trong máu, hơi thở) khi kiểm tra thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: lượng rượu, nồng độ rượu, thời gian uống kéo dài, uống lúc đói... Ngoài ra, còn phụ thuộc vào cơ thể, tình trạng bệnh lý, bởi có người uống từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở vẫn còn.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho chính bản thân cũng như những người xung quanh, bác sĩ Nguyên khuyến cáo, người dân không nên sử dụng rượu bia, hạn chế tối đa số lần uống rượu, bia cũng như lượng rượu mỗi lần sử dụng.

Uống bia sau bao lâu thì hết nồng độ cồn còn tuỳ thuộc vào từng người.

Uống bia sau bao lâu thì hết nồng độ cồn còn tuỳ thuộc vào từng người.

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cũng khuyến cáo, không có tiêu chuẩn cho mức độ tiêu thụ cồn bao nhiêu là có hại. Lý do là nguy cơ và hậu quả do sử dụng rượu bia khác nhau, phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống rượu bia khác nhau.

Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định. Theo nghiên cứu công bố trong Báo cáo về sử dụng rượu bia tại Cộng đồng Châu Âu năm 2012, nguy cơ tử vong do bệnh tật và tai nạn thương tích tăng lên đáng kể nếu một người uống nhiều hơn 2 đơn vị cồn trong một ngày và nguy cơ tử vong tăng tương quan với mức độ uống.

Cơ quan y tế của Anh khuyến cáo, để phòng chống tác hại do rượu bia gây ra, nam giới không nên uống quá 14 đơn vị trong một tuần.

Với những thông tin trên chắc hẳn bạn đã có giải đáp cho câu hỏi "Uống bia sau bao lâu thì hết nồng độ cồn?". Nếu như bạn lái xe thì cách tốt nhất là tránh xa rượu bia để không gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Thanh Thanh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn