UNICEF cam kết hỗ trợ giáo dục Việt Nam ứng phó COVID-19

Tin tức - Sự kiệnThứ Sáu, 17/04/2020 09:49:00 +07:00
(VTC News) -

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vừa làm việc trực tuyến với Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Rana Flowers về một số nội dung hợp tác và hỗ trợ ngành giáo dục.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề cập tới một số hoạt động đã triển khai trong thời gian qua để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Yêu cầu đầu tiên được Bộ đặt ra là bảo đảm an toàn cho học sinh.

Vì vậy tất cả trường học tạm nghỉ và triển khai các hình thức dạy học từ xa, qua internet, truyền hình. Với cách làm linh hoạt, chủ động, dạy học từ xa đã đạt kết quả bước đầu tốt, không chỉ giúp quản lý học sinh trong thời gian nghỉ học mà còn thực hiện được phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.

Hình thức dạy học qua internet, trên truyền hình là giải pháp tình thế trong giai đoạn dịch bệnh, nhưng theo Bộ trưởng đây cũng là cơ hội để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện hướng dẫn dạy học trực tuyến cho giáo viên và phụ huynh dưới dạng video clip. Bộ trưởng mong muốn, UNICEF sẽ hỗ trợ Bộ trong quá trình xây dựng và hoàn thiện cẩm nang hướng dẫn này.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị UNICEF hỗ trợ Bộ GD&ĐT hoàn thiện, bổ sung hệ thống bài giảng, học liệu chung để dạy học trên truyền hình, vì thực tế hình thức dạy học qua truyền hình đang phát huy hiệu quả rất tích cực, đặc biệt là với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nơi mạng internet chưa tới nơi, thiết bị dành cho dạy học trực tuyến còn hạn chế.

Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, cần có quy chế công nhận kết quả dạy học qua internet, truyền hình đối với bậc mầm non, phổ thông. Để làm được điều đó cần phải có khảo sát thực tiễn, dựng được khung mô hình dạy học chuẩn, từ đó tổng kết, rút kinh nghiệm.

“Đây là chính sách quan trọng, nếu xây dựng được sẽ là đột phá, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho chuyển đổi số trong giáo dục”, Bộ trưởng nói, đồng thời đề nghị UNICEF hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng quy chế.

Để chuẩn bị cho việc học sinh, sinh viên trở lại trường sau thời gian tạm nghỉ tránh dịch, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đang tổ chức xây dựng bộ tiêu chí trường học an toàn, trong đó đưa ra hướng dẫn cụ thể theo 3 thời điểm: Trước khi học sinh vào trường, trong thời gian ở trường và sau khi rời nhà trường. Các tiêu chí sẽ được tính toán để đảm bảo tối đa an toàn cho học sinh và giúp các địa phương thống nhất thực hiện.

Bộ trưởng mong rằng, UNICEF với kinh nghiệm và nguồn lực sẵn có sẽ hợp tác và tài trợ cho quá trình hoàn thiện bộ tiêu chí này.

UNICEF cam kết hỗ trợ giáo dục Việt Nam ứng phó COVID-19 - 1

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trong cuộc làm việc trực tuyến.

UNICEF cam kết hỗ trợ tối đa cho ngành giáo dục 

Thống nhất với những đề xuất hỗ trợ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, bà Rana Flowers bày tỏ sự trân trọng và cám ơn những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, Bộ GD&ĐT trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 nhằm bảo vệ sức khỏe người dân.

“Nỗ lực của ngành Giáo dục Việt Nam trong phòng, chống COVID-19 là tấm gương cho nhiều nước khác”, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam nói.

Bà Rana Flowers cho biết, UNICEF đã huy động được khoảng 800 nghìn USD hỗ trợ giáo dục Việt Nam ứng phó với COVID-19, trong đó một nửa dành cho nước sạch, vệ sinh môi trường, đồ dùng học tập và bao gồm cả hỗ trợ cho giáo dục tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài nguồn kinh phí này, nếu Bộ GD&ĐT có nhu cầu, UNICEF sẵn sàng hỗ trợ kết nối tới các nguồn viện trợ không hoàn lại khác.

Vị đại diện này cho biết, UNICEF sẽ hỗ trợ Việt Nam đi đầu trong cơ hội chuyển đổi số hoá giáo dục. Hiện nay, UNICEF đang tích cực trao đổi với các đối tác có hợp tác với các tập đoàn, công ty công nghệ để cung cấp giải pháp học tập miễn phí cho học sinh Việt Nam, thúc đẩy nền tảng kỹ thuật số hỗ trợ cho học tập từ xa không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh mà cả trong trung hạn và dài hạn. 

Để giúp trẻ em và học sinh Việt Nam được tiếp cận đồng đều với công nghệ số, UNICEF đang trao đổi với Trung ương Đoàn thanh niên và các đối tác để tổ chức các lớp trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ số cho học sinh, nhất là học sinh ở vùng khó khăn. Ngoài ra, sẽ tổ chức các chương trình bồi dưỡng bù đắp kiến thức, kỹ năng cho học sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thống nhất sẽ hỗ trợ Bộ GD&ĐT xây dựng bộ tiêu chí trường học an toàn khi học sinh đi học trở lại, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đồng thời cam kết, sẽ hỗ trợ trang thiết bị để lắp đặt hệ thống nước sạch đảm bảo vệ sinh cho các trường học tại Việt Nam hiện chưa được sử dụng nước sạch.

“Trong những tình huống như thế này, UNICEF sẽ kết nối với các tổ chức khác để đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho trẻ em”, bà Rana Flowers nhấn mạnh.

Hai bên cũng trao đổi, nhất trí một số nội dung hỗ trợ, hợp tác khác như giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí tới trẻ em, giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em Việt Nam; thống nhất các nội dung chuẩn bị cho Hội nghị ASEAN về xóa mù công nghệ số, kỹ năng chuyển đổi số vào cuối năm 2020 và hỗ trợ các địa phương triển khai sáng kiến trên nền tảng công nghệ số vào năm 2021.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn