Ứng dụng công nghệ viễn thám vào giám sát thoái hóa đất

Khoa học - Công nghệThứ Tư, 27/09/2017 13:27:00 +07:00

Việc kết hợp hệ thống thông tin địa lý GIS và ảnh viễn thám nhằm giám sát thoái hóa đất là một bước tiến lớn trong ứng dụng khoa học công nghệ cao tại Việt Nam.

anh1-congnghegis

Ứng dụng công nghệ viễn thám sẽ giúp vẽ được bản đồ thoái hóa đất tại địa phương, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học (Ảnh minh họa) 

Đây là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học “Điều tra, đánh giá hiện trạng thoái hóa đất khu vực Điện Biên và Lai Châu bằng công nghệ viễn thám và hệ thông tin địa lý (GIS) nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội và sử dụng đất bền vững" đến từ các nhà khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Theo nhóm tác giả, đề tài đã sử dụng phương pháp dựa theo cách tiếp cận đa chỉ tiêu, ứng dụng GIS nhằm thu thập và phân tích các yếu tố tự nhiên như: điều kiện địa chất, địa mạo, thủy văn, đa dạng sinh học, cụ thể như: độ dốc, dòng chảy mặt, thảm thực vật... và các yếu tố kinh tế xã hội như: hình thức canh tác, sử dụng đất, mật độ dân số, đô thị hóa... liên quan tới việc gây ra thoái hóa đất. Từ đó, các nhà khoa học đã xây dựng các bản đồ thoái hóa đất (thể hiện cả dạng thoái hóa cũng như mức độ thoái hóa).

Trên cơ sở bản đồ này, tích hợp với các yếu tố cường hóa (các yếu tố có tính chất làm gia tăng các nguy cơ thoái hóa như: lượng mưa, độ dốc, lớp thảm phủ, loại đất, hình thức canh tác...), các nhà khoa học đã xây dựng bản đồ cảnh báo tiềm năng thoái hóa đất (nguy cơ thoái hóa đất) với các mức độ khác nhau (có thể chia ra 3 cấp cảnh báo: nguy cơ cao; nguy cơ trung bình; ít nguy cơ). Việc tích hợp và xác định các yếu tố cường hóa hoàn toàn có thể sử dụng công cụ GIS và viễn thám để thực hiện.

Ứng dụng viễn thám và GIS trong mô hình gồm có các công đoạn: từ dữ liệu viễn thám và các dữ liệu bản đồ chuyên đề khác, chiết tách, xây dựng các bản đồ thành phần làm dữ liệu đầu vào của mô hình. Các thành phần này được xử lý trong GIS và xây dựng thành cơ sở dữ liệu. Bản đồ các yếu tố tiềm năng gây thoái hóa được xây dựng thông qua việc tích hợp các lớp cơ sở dữ liệu bản đồ bằng công cụ GIS.

Video: Kết nối chuyển giao công nghệ - Máy Marketing cảm xúc GDS

Từ bản đồ các yếu tố tiềm năng gây thoái hóa và thoái hóa đất hiện tại, trên cơ sở mối tương quan vào tính toán tích hợp trong hệ thống GIS sẽ xây dựng được bản đồ cảnh báo nguy cơ thoái hóa đất. Dựa trên quy trình này, Đề tài đã thành lập bản đồ cảnh báo nguy cơ thoái hóa đất cho 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu.

Qua việc hình thành bản đồ thoái hóa đất, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu và nêu bật tầm quan trọng bậc nhất của chống thoái hóa và xói mòn đất là tăng dày thảm thực vậy, tăng cường trồng rừng thay thế và ngăn chặn nguy cơ mất nốt những cánh rừng nguyên sinh còn lại tại 2 địa phương này.

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn