Từ năm nào, lễ Phật đản được tổ chức vào rằm tháng tư?

Chuyện bốn phươngThứ Năm, 07/05/2020 09:00:00 +07:00
(VTC News) -

Đại Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc hiện được tổ chức vào ngày 15/4 âm lịch, tuy nhiên trước đây nhiều nước kỷ niệm ngày đức Phật đản sinh vào ngày 8/4.

Phật đản hay là Vesak (gốc tiếng Phạn là Vaiśākha) là ngày kỷ niệm đức Phật Thích Ca được sinh ra tại vườn Lâm Tỳ Ni.  Đối với Phật giáo Nam tông và Phật giáo Tây Tạng, đây không chỉ là ngày Phật đản sinh mà còn là ngày ngài thành đạo và nhập niết bàn, gọi là ngày Tam hợp.

Vaiśākha thực chất là tên tháng thứ hai trong lịch Ấn Độ cổ (tương ứng với tháng 4 âm lịch). Đức Phật được cho là hiển thế trong ngày trăng tròn của tháng này, theo lịch Ấn là ngày 8 (tương ứng với ngày 15/4 âm lịch). Lễ Phật đản được tổ chức vào ngày 8 hoặc 15 tùy theo truyền thống của các quốc gia.

Trước đây, Phật tử Việt Nam và một số nước chịu ảnh hưởng của Phật giáo Bắc tông (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) thường kỷ niệm Phật đản vào ngày mồng 8/4 4 âm lịch.

Người các quốc gia theo Phật giáo Nam tông thường tổ chức vào ngày trăng tròn của tháng 4 âm lịch hay tháng 5 dương lịch. Năm 2007, tháng 5 dương lịch có 2 ngày trăng tròn, có nơi tổ chức lễ Phật đản vào ngày trăng tròn đầu tiên (1/5), có nơi chọn ngày trăng tròn thứ hai (31/5).

Từ năm nào, lễ Phật đản được tổ chức vào rằm tháng tư? - 1

Lễ Phật đản.

Năm 1960, Đại hội Phật giáo Thế giới họp ở Campuchia đã thống nhất lấy ngày 15/4 làm ngày Phật đản cho phật tử toàn thế giới.

Năm 1999, trong phiên họp thứ 54, Đại Hội đồng Liên Hợp quốc ra nghị quyết công nhận ngày Tam hợp Đức Phật (đản sinh, thành đạo, nhập niết bàn), tức rằm tháng tư âm lịch (tháng Vèsaka theo lịch Ấn Độ cổ) là ngày tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc. Đây là lễ hội văn hóa tôn giáo lớn của thế giới mà Việt Nam 3 lần đăng cai tổ chức thành công vào năm 2008, 2014 và 2019. 

Theo kinh sách, hoàng hậu Mahamaya sinh ra đức Phật trong vườn Lâm Tỳ Ni, dưới gốc cây vô ưu (cây sala). Cụ thể, kinh điển Nam tông chép rằng, theo phong tục, sắp đến ngày lâm bồn, hoàng hậu Mahamaya về vương quốc cha mẹ đẻ để sinh con. Khi bà nghỉ chân ở vườn Lâm Tỳ Ni thì cơn đau chuyển dạ xuất hiện. Các nữ tỳ vội quây màn cho hoàng hậu, bà bám lấy một gốc cây vô ưu và sinh ra hoàng tử.

Lúc này trên trời xuất hiện 4 vị đại phạm thiên cầm lưới bằng vàng quấn quanh hài nhi, trong khi 2 trận mưa dội xuống tắm gội cho hai mẹ con. Sau đó, đứa trẻ được Tứ đại thiên vương đỡ lấy, bọc trong miếng vải làm bằng da linh dương đen.

Còn theo kinh điển Bắc tông, hoàng hậu Mahamaya mơ thấy voi trắng 6 ngà biến thành luồng sang soi vào bụng mình và sau đó có thai. Đến ngày, bà đến vườn Lâm Tỳ Ni và sinh ra hoàng tử từ sườn phải. Một bông sen nảy lên đỡ lấy đứa bé. Từ trên trời, 9 con rồng bay xuống phun 2 dòng nước lạnh và nóng để tắm cho ngài, rồi các thần xuống săn sóc. Vừa ra đời, đức Phật đã bước 7 bước (mỗi bước đều có hoa sen đỡ dưới chân), một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” (trên trời, dưới đất, chỉ có ta là bậc tôn quý nhất).

HỒNG TRẦN
Bình luận
vtcnews.vn