Truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông trong hoạt động xuất bản

Tin tức - Sự kiệnChủ Nhật, 12/07/2020 12:33:00 +07:00
(VTC News) -

Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền vừa tổ chức Hội thảo khoa học truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông trong hoạt động xuất bản ở Việt Nam.

Hội thảo nhằm đánh giá, phân tích vai trò và hiệu quả của truyền thông trong hoạt động xuất bản ở Việt Nam hiện nay. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm về công tác truyền thông và xây dựng thương hiệu trong hoạt động xuất bản; sự kết hợp giữa xây dựng thương hiệu và marketing trong hoạt động xuất bản.

Tại hội thảo, PGS.TS Đỗ Thị Quyên, Trưởng khoa Xuất bản - Phát hành, Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, thương hiệu vốn là những giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp, là những giá trị gia tăng mà doanh nghiệp mang lại in đậm trong tâm trí và gần như tạo được sự tin cậy tuyệt đối của công chúng bạn đọc, là sự lan tỏa những giá trị tốt đẹp của doanh nghiệp trong cộng đồng.

Thương hiệu tạo ra sự kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với nhau, với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước, đặc biệt hơn là mối quan hệ bền chặt giữa doanh nghiệp với các khách hàng.

Ông Ngô Tấn Đạt, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông khái quát những nét cơ bản trong chiến lược xây dựng, phát triển thương hiệu của Nhà xuất bản. Qua đó đề xuất các nhóm giải pháp để nâng cao thương hiệu các nhà xuất bản như: hoàn thiện hệ thống nhận diện thương hiệu; phát triển hệ thống giá trị cốt lõi của thương hiệu; nguồn lực con người; tăng cường các hoạt động quảng bá thương hiệu…

Truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông trong hoạt động xuất bản - 1

Toàn cảnh hội thảo.

Trao đổi tại Hội thảo, Bà Trương Ngọc Lan, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, cho rằng: “Truyền thông xuất bản là một chu trình bắt đầu từ lúc sách đang ở dạng ý tưởng, đến lúc sách đã xuất bản. Chu trình này đòi hỏi sự vào cuộc của toàn nhà xuất bản chứ không riêng bộ phận truyền thông, đặc biệt là với dòng sách có tính thời sự cao.

Chu trình truyền thông trước, trong và sau khi sách ra là một chu trình khá phổ biến, nhưng tùy vào từng thời điểm, từng nội dung và từng đối tượng độc giả để có kế hoạch truyền thông phù hợp”.

Ông Phan Ngọc Chính, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tài chính cho biết, các xuất bản phẩm là một thứ hàng hóa đặc biệt, hàng hóa đặc thù. Đây là thứ hàng hóa chuyển tải tri thức, kỹ năng giúp con người mở mang hiểu biết trong mọi lĩnh vực; là một trong những phương tiện giải trí truyền thống, lâu đời. Mà đã là hàng hóa thì quảng bá bán hàng là hoạt động sơ khởi và đương nhiên. Bởi vậy, câu chuyện truyền thông xuất bản đặt ra không mới.

Tuy nhiên làm thế nào để truyền thông cho ấn phẩm, xuất bản phẩm được hiệu quả luôn là điều phải bàn luận, trao đổi vì đây là điều không dễ dàng. Việc xử lý khủng hoảng truyền thông xuất bản, dù không muốn cũng đặt ra với tất cả các nhà làm sách. Làm thế nào để xử lý khủng hoảng truyền thông xuất bản tốt nhất trong phạm vi có thể cũng là cần phải nghiên cứu.

Truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông trong hoạt động xuất bản - 2

TS Vũ Thùy Dương - Phó Trưởng khoa Xuất bản phát biểu.

Bà Đỗ Huyền Trang, Công ty sách Bách Việt cho rằng, lựa chọn content như một lối đi của marketing ngành sách trong là một xu thế tất yếu của các đơn vị xuất bản. Truyền thông và marketing ngành sách cần phải tận dụng thế mạnh của chính nó như một kho content bất tận.

Mỗi cuốn sách đều có thể cung cấp vô số content được dùng, trích xuất để đưa lên mạng xã hội, fanpage. Nhưng với content, thì marketing có thể làm ba việc: Đem đến cho độc giả trải nghiệm sản phẩm ngay trong content marketing; Khảo sát và phân loại đối tượng độc giả; Thiết kế sản phẩm trên tư duy marketing. Muốn thiết kế content phân loại đối tượng độc giả thì cần tập trung vào thiết kế tiêu đề; nội dung content; thông điệp ngầm ẩn.

Phát biểu kết luận hội thảo, TS. Phạm Văn Thấu, Nguyên Trưởng khoa Xuất bản khẳng định hội thảo đã đạt được mục tiêu đề ra và đã tập trung làm rõ được các vấn đề lý luận và thực tiễn về truyền thông, xây dựng thương hiệu, xử lý khủng hoảng truyền thông ngành xuất bản ở Việt Nam hiện nay.

Nhi Nhi
Bình luận
vtcnews.vn