Truyền tai cách chữa viêm tai bằng sáp ong: Đông Y, Tây Y đều 'lắc đầu' chưa nghe đến

Sức khỏeThứ Năm, 01/02/2018 11:33:00 +07:00

Thực hư về cách chữa không cần dùng thuốc kháng sinh, chỉ cần dùng sáp ong cuốn trong tờ giấy, đốt và thổi khói vào hốc tai trẻ nhiều lần để trị bệnh viêm tai ở trẻ.

Cụ thể, nhiều bà mẹ quay video, chia sẻ hình ảnh chữa viêm tai giữa cho trẻ nhỏ chỉ cần sáp ong xông khói. Phụ huynh chỉ cần dùng sáp ong cuốn trong tờ giấy, đốt và thổi khói vào hốc tai trẻ nhiều lần để trị bệnh.

Theo những lời chia sẻ, sáp ong có khả năng giảm đau, là chất kháng nấm, kháng sinh tự nhiên và có khả năng điều hòa hệ miễn dịch nên sử dụng để chống viêm, chống loét.

Nhiều người cũng cho rằng, chữa bệnh viêm tai giữa bằng thổi sáp ong là một phương pháp dân gian an toàn và khá hiệu quả, giúp triệt viêm, giảm đau, diệt khuẩn, tiêu mủ, giúp người bệnh cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Tiêu viêm từ bên trong, không tác dụng phụ, nguyên liệu dễ tìm và cách làm đơn giản. Tuy nhiên, cần phải thực hiện kiên trì, bệnh mới khỏi được.

Chữa viêm tai giữa bằng sáp ong đang được các phụ huynh vô cùng ưa chuộng

 Chữa viêm tai giữa bằng sáp ong đang được các phụ huynh ưa chuộng

Trúng tâm lý các bà mẹ khi không cần uống kháng sinh lại thiên nhiên lành tính nên nhiều người quyết tâm thử cho con nhỏ của mình bất chấp sự mù mờ, độ tin cậy của thông tin.

Trao đổi với PV, Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, đây chỉ là một quan niệm dân gian mà không hề có cơ sở khoa học. Trong Đông Y, Tây Y không hề có phương pháp chữa viêm tai giữa bằng sáp ong. Và việc dùng sáp ong xông khói có thể có tác dụng với cá nhân nào đó có thể do phù hợp cơ địa, không có tác dụng phổ cập.

Lương y cũng nhấn mạnh, việc áp dụng tùy tiện phương pháp dân gian với trẻ nhỏ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Vì hơi thở của cha mẹ có thể có vi khuẩn, chưa kể nước sáp nóng chảy rớt vào tai có thể làm tăng nguy cơ viêm tai nặng hơn cho trẻ.

Nói về bệnh viêm tai giữa, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng - Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết nếu viêm tai giữa không điều trị tốt ở giai đoạn cấp tính bệnh sẽ chuyển sang mãn tính. Khi bệnh chuyển sang viêm tai mãn tính thường bị tái đi tái lại và có những biến chứng nếu không được điều trị kịp thời.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, để điều trị viêm tai giữa cho trẻ cần phải đưa trẻ đi khám đúng theo lịch chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ sẽ đánh giá được tình hình tiến triển của bệnh để đưa ra đơn thuốc phù hợp cho bệnh nhi. 

Để phòng viêm tai giữa cho trẻ cần phải vệ sinh mũi khi trẻ có dấu hiệu viêm. Cha mẹ nên tiêm phòng vắc xin Prevnar giúp ngăn ngừa nhiễm trùng do phế cầu gây ra. 

Video: Kỹ thuật mới chữa bệnh giãn tĩnh mạch chân, không cần mổ

8 triệu chứng chính của bệnh viêm tai giữa

 Bé có thể có từ 2 triệu chứng trở lên:

  – Triệu chứng cảm – hãy nhớ rằng nhiễm trùng tai gần như luôn đi sau chứng cảm cúm. Nước mũi thường chuyển từ không màu sang vàng hoặc xanh trước khi nhiễm trùng tai xuất hiện.

  – Bé quấy khóc cả ban ngày và ban đêm.

  – Kêu đau ở tai hoặc không nghe được.

  – Thức giấc nhiều hơn về đêm.

  – Không muốn nằm xuống.

  – Sốt – thường là không cao (38,30C-38,90C), có thể không sốt.

  – Bé đột nhiên quấy khóc hơn nhiều trong đợt cảm.

  – Chảy dịch từ tai – nếu nhìn thấy máu hay mủ chảy ra từ tai, nhiều khả năng đó là nhiễm trùng tai kèm rách màng nhĩ. Tuy nhiên, những vết rách này hầu như sẽ liền lại tốt, và khi màng nhĩ rách bé sẽ ít cảm thấy đau hơn.

 

(Nguồn: giadinhmoi.vn)
Bình luận
vtcnews.vn