Trường hợp đặc biệt nào được mang thai hộ?

Sức khỏeChủ Nhật, 16/12/2012 06:36:00 +07:00

(VTC News) – Sửa đổi Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 dự kiến sẽ cho phép mang thai hộ nhưng chỉ những trường hợp đặc biệt.

(VTC News) –  Sửa đổi Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 dự kiến sẽ cho phép mang thai hộ nhưng chỉ những trường hợp đặc biệt.

Mang thai hộ: Chỉ tốt khi không mang tính thương mại

Trao đổi với phóng viên VTC News, TS Nguyễn Văn Cừ, Phó Khoa Luật dân sự (Đại học Luật Hà Nội) - thành viên tổ biên tập sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình cho biết: Ban dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình đã họp 2 lần, còn tổ biên tập đã họp 4 lần. Về vấn đề cho phép mang thai hộ, hướng là cho phép nhưng chỉ cho phép những trường hợp đặc biệt.

Ảnh minh họa 
Việc cho phép mang thai hộ chủ yếu xét đến vấn đề nhân đạo, ví dụ như trường hợp các cặp vợ chồng vô sinh, người vợ không thể mang thai khi đó có thể nhờ chị, em gái… Còn nếu mang thai hộ mang tính chất thương mại sẽ bị cấm.  

Ông Cừ cũng cho biết: Sau khi có bản sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình sẽ có những văn bản dưới luật quy định hết sức cụ thể, chặt chẽ về mối quan hệ giữa mẹ và con cũng như quyền nhân thân, quyền thừa kế của đứa trẻ có được từ mang thai hộ. Nếu Luật chưa cụ thể, các văn bản dưới luật sẽ cụ thể hóa các vấn đề nêu trong Luật Hôn nhân và Gia đình.

 

Trên thực tế, có đôi lách luật để nhờ mang thai hộ. Nhưng có trường hợp người mang thai hộ phá hợp đồng, mang theo đứa con mà mình đã mang. 

TS Nguyễn Huy Quang, Phó vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ Y tế
 
Hiện nay, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 vẫn chưa đề cập đến việc mang thai hộ. Vì vậy, sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 sẽ mang đến hy vọng lớn cho những cặp vợ chồng vô sinh.

Ủng hộ quan điểm mang thai hộ, PGS-TS Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc BV Phụ sản T.Ư nói: “Chúng ta nên sửa luật và cho phép được mang thai hộ như Thái Lan đang thực hiện. Vì đây cũng là quyền của những cặp vợ chồng vì lý do nào đó họ không thể sinh con”.

Thực tế cho thấy, khi luật pháp không cho phép, nhiều cặp vợ chồng vẫn làm trái luật khi thuê người mang thai hộ ngay tại Việt Nam hoặc sang Thái Lan thuê.

Bác sĩ Phạm Thị Minh Trang, nguyên phó chủ nhiệm Khoa Sản phụ và Kế hoạch hóa gia đình, bệnh viện 198 cho rằng nhiều cặp vợ chồng không có con nên muốn nhờ người mang thai hộ. Nhưng các bác sĩ Việt Nam không dám làm vì sợ phạm luật. Chính vì vy, họ phải dạt sang nước khác để làm.

Người mang thai hộ có thể phá hợp đồng

Hiện nay, pháp luật hoàn toàn cấm mang thai hộ, thậm chí nếu mang thai hộ còn bị xử phạt. Cụ thể, theo Nghị định 96/2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh (có hiệu lực từ ngày 15/12/2011), hành vi mang thai hộ có thể bị phạt từ 30 triệu đến 40 triệu đồng.

Theo Nghị định 12/2003/NĐ-CP ngày 12/02/2003 về sinh con theo phương pháp khoa học, tại điều 6 quy định nghiêm cấm hành vi mang thai hộ.

Trên thực tế, vẫn diễn ra việc thuê người mang thai hộ. Tại cuộc họp ban soạn thảo sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình mới diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng hiện cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vụ liên quan về mang thai hộ.

Bởi, hiện tại Luật Hôn nhân và Gia đình chưa có quy định cụ thể về vấn đề mang thai hộ như xác định cha, mẹ đứa trẻ được sinh, các quyền nhân thân và tài sản của đứa trẻ với những người có liên quan (người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ).

“Nếu cho phép mang thai hộ với việc mở rộng đối tượng mang thai, sẽ xuất hiện nhiều hợp đồng kinh tế thương mại”, TS. Cừ lo ngại.

“Một vấn đề đặt ra là sau khi mang thai hộ, có bà mẹ sẽ phá hợp đồng và mang theo đứa con bỏ trốn”, TS Nguyễn Huy Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nói. Theo TS Quang, vì trong quá trình mang thai hộ, người mang thai nảy sinh tình cảm với đứa bé nên không dứt ra được.

Và khi đó, nếu luật hay văn bản dưới luật không quy định rõ sẽ xảy ra tranh chấp sau này.

Ông Nguyễn Huy Quang thừa nhận: "Mang thai hộ đúng là xu hướng và là nhu cầu thực tế gần đây. Trên thế giới, có  vài nước đã cho phép mang thai hộ.

Tại Việt Nam, xét về nguyên tắc, người nào mang nặng đẻ đau sẽ là mẹ của đứa trẻ. Có thể xác định đứa con về mặt pháp luật và mặt sinh học. Là con sinh học của người mẹ có trứng. Còn theo luật, người mang thai là mẹ của đứa trẻ đó. Vì vậy, nếu cho phép mang thai hộ sẽ phải xác định lại khái niệm về quan hệ mẹ - con trong trường hợp này.

Trên thực tế, có đôi lách luật để nhờ mang thai hộ. Nhưng có trường hợp người mang thai hộ phá hợp đồng, mang theo đứa con mà mình đã mang nặng đẻ đau. Đây là vấn đề liên quan đến huyết thống, y học… nên cần có sự rõ ràng vì đây không chỉ là cuộc thương lượng về mặt pháp luật, đạo đức.

Tôi không ủng hộ việc mang thai hộ nếu người mang thai hộ không phải là chị em, người thân. Nếu không, nó sẽ mang tính thương mại. Đây là vấn đề khó".

Chị Đ.H.Y tâm sự: “4 năm trước đây, tôi cũng không còn cách nào cũng khác phải nhờ người mang thai hộ. Chuyện là trước đây, cơ thể mình nhiều bệnh tật nên phải mổ xẻ nhiều. Vì thế bây giờ, tuy lấy chồng nhưng bác sĩ nói nếu mang thai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng. Chồng tôi lại không muốn xin con nuôi, thế nên phương án cuối cùng tôi có thể chọn chỉ là nhờ người mang thai hộ”.

Chị Y. đã phải nhờ người họ hàng mang thai hộ, cả hai rồng rắn sang Thái Lan làm.  Giờ, con chị đã 4 tuổi. Từ khi người họ hàng có thai, chị Y. xin đón chị ấy về hẳn nhà để tiện chăm sóc. Khi đi khám hay vào viện sinh đẻ, mọi thủ tục và giấy tờ đều đứng tên chị Y. Em bé sinh tại bệnh viện cũng đứng tên vợ chồng chị Y. trong giấy khai sinh.


Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn