Trung Quốc đang triển khai những máy bay, tên lửa nào ra Trường Sa?

Thế giớiThứ Sáu, 11/05/2018 08:25:00 +07:00

Hình ảnh vệ tinh do một trung tâm nghiên cứu tại Washington tiết lộ ngày 10/5 cho thấy máy bay quân sự Trung Quốc, được xác định là Shaanxi Y-8, xuất hiện ở Đá Xu-bi thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam.

Theo National Interest, hình ảnh vệ tinh do tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) tiết lộ một máy bay quân sự, được xác định là Shaanxi Y-8, xuất hiện tại Đá Xu-bi thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam.

may-bay-tq-1

 Hình ảnh vệ tinh cho thấy một chiếc Shaanxi Y-8 đang đậu trên đường băng Trung Quốc xây dựng trái phép trên Đá Xu Bi, Trường Sa. (Ảnh: AMTI). 

may-bay-tq-3 3

 Cận cảnh một chiếc máy bay Shaanxi Y-8.

Máy bay Shaanxi Y-8 là một máy bay vận tải sản xuất tại Trung Quốc, dựa trên mẫu máy bay Antonov An-12 của Nga. Phiên bản cải tiến của máy bay này có thể dùng vào các nhiệm vụ do thám hàng hải hoặc đưa tín hiệu tình báo.

Đây được cho là lần thứ 3 Trung Quốc triển khai máy bay quân sự đến các đường băng ở quần đảo Trường Sa. Lần đầu tiên, theo CSIS, một máy bay do thám hải quân hạ cánh xuống Đá Chữ Thập hồi tháng 4/2016, được cho là máy bay Y-8. Sau đó, tháng 1/2018, hai máy bay vận tải quân sự Xian Y-7 được phát hiện ở Đá Vành Khăn.

may-bay-tq-xiany7

Hai máy bay Xian Y-7s đậu trên đường băng Trung Quốc xây dựng tại đá Vành Khăn hồi tháng 1/2018. (Ảnh: Philippine Daily)

Ngày 2/5, CNBC dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc triển khai các tên lửa hành trình diệt hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B tại các cơ cấu xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Theo National Interest, loại tên lửa diệt hạm mà Trung Quốc triển khai được cho là YJ-12B, cho phép Bắc Kinh tấn công các tàu mặt nước trong phạm vi 546 km từ các đảo đá này.

Còn hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9B, có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa 296 km.

may-bay-tq-tenlua 4

 Mẫu tên lửa YJ-12 là tên lửa siêu thanh chống hạm thế hệ tiếp theo của Trung Quốc, được giới thiệu lần đầu năm 2015.

Theo CSIS, phần lớn các đợt triển khai của Trung Quốc ở 3 đảo Xu-bi, Chữ Thập và Vành Khăn đi theo một xu hướng được thiết lập trước đó tại đảo Phú Lâm, Hoàng Sa.

Theo National Interest, Trung Quốc đã xây dựng các kho chứa máy bay mới, triển khai các máy bay chiến đấu J-10, J-11 ở Phú Lâm và sự phát triển tương tự có thể diễn ra ở Xu-bi, Chữ Thập và Vành Khăn.

Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy các tàu khu trục và tàu chiến và tàu do thám khác thường xuyên “ghé thăm” 3 đảo nói trên.

may-bay-tq-4 5

 Tàu khu trục 053H1G trên Đá Chữ Thập thuộc Trường Sa hôm 4/5/2017 (Ảnh: AMTI)

Về các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong vùng biển khu vực, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cảnh báo sẽ có “những hậu quả trước mắt và lâu dài”. Trong khi đó Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop nói bất cứ hoạt động xúc tiến quân sự nào cũng sẽ đi ngược lại cam kết của Trung Quốc về việc không quân sự hóa các cấu trúc nhân tạo nước này xây dựng trên biển Đông năm 2015.

Tổng thống Pháp và Thủ tướng Australia lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng trình tự theo luật ở Thái Bình Dương.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc loại bỏ thiết bị quân sự triển khai ở quần đảo Trường Sa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết hoạt động triển khai tên lửa của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

Video: "Google Nga" khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn