Trục xuất các nhà ngoại giao Nga khiến châu Âu chia rẽ

Thế giớiThứ Năm, 29/03/2018 16:55:00 +07:00

Theo Sputnik, nhiều nước châu Âu hưởng ứng lời kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Nga do Anh khởi xướng trong khi một số quốc gia khác phản đối cho thấy có sự chia rẽ giữa các nước châu Âu.

Sau khi Anh kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Nga do nghi án Matxcơva liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Sergey Skripal, các quốc gia tại châu Âu chia làm 3 nhóm, các quốc gia hưởng ứng lời kêu gọi của Anh, các quốc gia tiếp tục cân nhắc và các quốc gia phản đối lời kêu gọi này.

Trong số các quốc gia không hưởng ứng lời kêu gọi của London, các quốc gia bao gồm Bulgaria, Slovenia, Áo và Cyprus phản đối mạnh mẽ nhất.

Ngoài ra, Slovakia, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Luxemburg và Malta chưa hưởng ứng lời kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Nga, lãnh đạo các quốc gia này tuyên bố cần phải đợi cuộc điều tra hoàn tất mới đưa ra kết luận.

2763358

 Các quốc gia châu Âu có phản ứng khác nhau trước lời kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Nga của London. (Ảnh: Sputnik)

Nhà nghiên cứu Petr Iskanderov, thuộc Viện nghiên cứu Dân tộc Slav, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nói với Sputnik, việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga là bước đi có tính nghiêm trọng, bởi điều này dẫn đến hành động đáp trả của Matxcơva.

Thêm vào đó, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục nào trong vụ án cựu điệp viên Skripal bị đầu độc được đưa ra.

Áo, quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu EU, là một trong số những quốc gia không tham gia vào hoạt động trục xuất các nhà ngoại giao Nga do Anh khởi xướng, mặc dù Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết nước này bày tỏ sự đoàn kết với Anh trong vụ án Skripal.

“Chúng tôi muốn giữ các kênh đối thoại cởi mở với nước Nga. Áo là quốc gia trung lập và là người xây dựng cầu nối giữa Đông Âu và Tây Âu”, Thủ tướng Áo tuyên bố.

Video: Khám nghiệm hiện trường nơi phát hiện cựu điệp viên Skripal bị đầu độc

Slovenia từ chối thẳng thừng lời kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Nga, đồng thời kêu gọi điều tra kỹ lưỡng vụ cựu điệp viên Sergey Skripal bị đầu độc với sự tham gia của Matxcơva và chỉ trích mạnh mẽ việc sử dụng vũ khí hóa học.

Slovakia cũng bày tỏ lập trường của mình trong việc không hưởng ứng lời kêu gọi của London, thủ tướng nước này ra chỉ đạo không được phép gây áp lực lên Nga khi cuộc điều tra chưa kết thúc và chưa có bằng chứng rõ ràng chứng minh Nga có liên quan đến vụ án Skripal.

Các quốc gia châu Âu hưởng ứng lời kêu gọi của London chỉ trục xuất từ 1 đến 4 nhà ngoại giao Nga, chỉ có Ukraine trục xuất 13 nhà ngoại giao Nga. Mỹ, quốc gia không thuộc châu Âu, đồng minh NATO của Anh, trục xuất đến 66 nhà ngoại giao Nga và đóng cửa lãnh sự quán Nga tại Seattle.

Chuyên gia Timophei Borodachev, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu châu Âu thuộc Trường Kinh tế Cao cấp tại Matxcơva, nhận định: “Các quốc gia châu Âu khác thực hiện hành động của mình dưới áp lực, sự đoàn kết của họ mang tính xã giao. Một số quốc gia hoàn toàn bỏ qua”.

Nguyễn Tiến
Bình luận
vtcnews.vn