Triều Nguyễn có 13 đời vua sao chỉ có 2 Hoàng hậu được sắc phong khi còn sống?

Sao ViệtThứ Năm, 23/11/2023 07:59:40 +07:00
(VTC News) -

Triều Nguyễn tồn tại 143 năm với 13 đời vua, tuy nhiên chỉ có 2 vị Hoàng hậu được sắc phong khi còn sống, đây là bí ẩn chưa có lời giải đáp chính xác.

Hai Hoàng hậu của triều Nguyễn được sắc phong khi còn sống là Thừa Thiên Cao Hoàng hậu - Tống Thị Lan (vợ vua Gia Long) và Nam Phương Hoàng hậu - Nguyễn Hữu Thị Lan (vợ vua Bảo Đại).

Vì sao chỉ có 2 Hoàng hậu được sắc phong khi còn sống?

Cho đến nay, sử sách cũng chưa lý giải lý do cụ thể từ thời vua Minh Mạng trở đi, hậu cung triều Nguyễn đều để trống ngôi vị Hoàng hậu, chỉ ban tước cao nhất là Hoàng quý phi, giúp Hoàng thái hậu trông coi lương thực, chỉnh tề công việc chốn hậu cung.

Vào năm 1836, vua Minh Mạng chia các phi tần trong hậu cung làm 9 bậc gọi là “cửu giai” (chữ giai nghĩa là đẹp), bậc cao nhất là “nhất giai”, cao hơn cả “cửu giai” là Hoàng Quý phi, rồi đến cao nhất là Hoàng hậu. Nhưng thực tế vua Minh Mạng chưa lập ai làm Hoàng hậu.

Theo một số sử sách đồn đoán rằng, ngôi vị Hoàng hậu để trống để “đợi đức hiền” nhưng cho đến hết đời vua Minh Mạng cũng không tìm thấy ai đủ đức để ngồi vào vị trí này.

Về việc tìm không được người làm Hoàng hậu, sách Quốc sử di biên của Thám hoa Phan Thúc Trực có ghi chép rằng: "Chính cung húy Kiều, con gái doanh tượng quan chưa có con, đệ nhị cung húy Hinh là con gái Lê Tông Chất. Có lần, vua hơi se mình, chính cung cùng đệ nhị cung cùng đi cầu đảo ở chùa Thiên Mạc (Thiên Mụ). Nhị cung nói rằng: “Nếu đắc tội với trời, thì cầu đảo vào đâu được”. Đến lúc vua khỏi, chính cung đem câu nói ấy, tâu với vua. Vua giận lắm! Cho nên, ngôi hoàng hậu vẫn để trống bàn mãi không định được".

Nếu theo lời trong cuốn sách này thì việc vua Minh Mạng không lập Hoàng hậu bởi không tìm được người vừa ý, chứ không đưa ra lệ không lập Hoàng hậu, cũng không có ý chỉ nào truyền lại các đời sau không được lập Hoàng hậu.

Nam Phương Hoàng hậu được sắc phong ngay sau lễ cưới.

Nam Phương Hoàng hậu được sắc phong ngay sau lễ cưới.

Cũng có một vài lý do cho rằng, vua có ý định sắc phong Hoàng hậu nhưng không kịp. Ở đời Thiệu Trị, vua định lập Quý phi Phạm Thị Hằng làm Hoàng hậu nhưng chưa kịp để sắc phong. 

Trong sách Đại Nam liệt truyện ghi chép lại rằng: "Đến khi vua gần mất, mọi việc về sau, đều dặn dò ủy thác cho Hậu. Lại diện dụ các quan rằng: Quý phi là nguyên phối (vợ cả) của trẫm, là người phước đức hiền minh, giúp ta coi công việc trong cung cấm đã 7 năm. Nay ý trẫm muốn sách lập làm Hoàng hậu chính ngôi trong cung, tiếc vì việc không làm kịp mà thôi". 

Theo sử sách ghi chép, các vua sau này cũng không lập Hoàng hậu, vì không chắc những phi tần này có đức hạnh cao hơn để xứng đáng được phong Hoàng hậu hay không.

Cho đến đời vua Bảo Đại thì luật lệ này mới được phá vỡ. Để cưới được Nguyễn Hữu Thị Lan làm vợ, vua Bảo Đại phải chấp nhận tất cả các yêu cầu như bỏ hết các phi tần để sống chế độ một vợ một chồng.

Sau đám cưới, Nguyễn Hữu Thị Lan được phong làm Nam Phương Hoàng hậu. Bà cũng là Hoàng Hậu cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

Sắc phong 2 vị Hoàng hậu triều Nguyễn 

Thừa Thiên Cao Hoàng hậu là vị Hoàng hậu đặc biệt của nhà Nguyễn. Bà là chính thê của vua Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh, thường gọi Nguyễn Ánh) và cũng là hoàng hậu duy nhất được song táng cùng vua tại lăng tẩm. 

Hoàng hậu Thừa Thiên Cao tên thật Tống Thị Lan, xuất thân từ dòng họ Tống Phục thị danh giá ở Tống Sơn, Thanh Hóa. Khi Gia Long thành niên tuổi 18 đã mang đầy đủ nghi lễ, vật phẩm đến hỏi cưới Tống thị làm chính thất. Ông tấn phong cho bà làm Nguyên phi vào năm 1778, năm ấy bà tròn 18.

Thừa Thiên Cao Hoàng hậu qua tranh vẽ minh hoạ.

Thừa Thiên Cao Hoàng hậu qua tranh vẽ minh hoạ.

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi với niên hiệu Gia Long và lập ra vương triều Nguyễn. Chỉ một năm sau, Tống thị trở thành Vương hậu, đến khi Nguyễn Ánh xưng Đế năm 1806 thì bà được sắc phong Hoàng hậu.

Tờ sắc văn viết rằng: "Hậu nên nhận lấy danh hiệu cao quý ấy, sửa sang chính sự ở trong cung, kính cẩn việc thờ phụng ở nhà tôn miếu, làm khuôn phép người mẹ cho thần dân, kính siêng sửa đức nghĩ điều nghĩa cho sáng thêm; được hưởng nhiều phước, giữ tốt mãi không chán". 

Năm 1814, Thừa Thiên Cao Hoàng hậu từ trần và được tấn phong tên thụy là Giản cung tề hiến Đức chính thuận nguyên Hoàng hậu. Đến năm 1820, bà được dâng thêm tôn thụy là Thừa Thiên Cao Hoàng hậu.

Bà được song táng cùng vua Gia Long tại lăng Thiên Thọ. Trong tất cả hậu lẫn phi triều Nguyễn, bà cũng là người duy nhất được song táng cùng vua. 

Trong khi đó, Hoàng hậu Nam Phương là vợ vua Bảo Đại. Bà tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, nổi tiếng bởi vẻ đẹp dịu dàng, đức hạnh và tài năng.

Khi Bảo Đại ngỏ lời cầu hôn, Thị Lan liền đồng ý lấy ông với 3 điều kiện: Phải được tấn phong làm Hoàng hậu ngay trong lễ cưới; được giữ lại nguyên đạo thiên chúa, các con sau khi được sinh ra đều được rửa tội, được giữ đạo và cuộc hôn nhân này phải được Toà thánh La Mã cho phép, hai người giữ hai tôn giáo khác nhau, không ai bắt buộc ai về tôn giáo. Vì vậy cuộc hôn nhân giữa Bảo Đại và Nguyễn Hữu Thị Lan gặp phải rất nhiều phản đối. 

Để giữ lời hứa, Bảo Đại đã tấn phong cho bà Nguyễn Hữu Thị Lan làm Hoàng hậu ngay sau lễ cưới ở điện Thái Hòa. Tên hiệu của bà là Nam Phương có nghĩa là "hương thơm của phương Nam".

Cuộc đời và nhan sắc Hoàng hậu cuối cùng của nước Nam đến nay vẫn thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng.

Cuộc đời và nhan sắc Hoàng hậu cuối cùng của nước Nam đến nay vẫn thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng.

Bảo Đại từng kể về lễ tấn phong Hoàng hậu trong hồi ký như sau: "Vâng, tôi đã quyết định đặt vợ tôi lên làm Hoàng hậu trong cuộc hôn nhân này, cái chức mà chỉ dành cho mẫu hậu khi mà nhà vua đã qua đời. Mặc phẩm phục triều đình với chiếc áo choàng rộng, đi giầy hài mũi cong nhọn, chít khăn có đính những viên đá quý. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Annam mà một người đàn bà đã tiến lên một mình giữa sự chào đón của triều đình... Cũng vẫn chỉ một mình, cô đã vào trong đại sảnh đã có tôi đợi ở đó, và ngồi ở một cái đôn để ở thấp hơn".

Hoàng hậu Nam Phương có một tuổi thanh xuân êm đềm, bược vào cuộc hôn nhân tưởng chừng viên mãn rồi rạn nứt, bà sống thiếu hạnh phúc vào những năm cuối đời và chết trong sự cô đơn ở nơi đất khách. 

Sự kiện Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong Hoàng hậu ngay sau khi cưới là một điều hiếm hoi đối với các chính cung trong triều Nguyễn vì các đời trước mới chỉ có duy nhất Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, chính thất của Gia Long được phong Hoàng hậu khi còn sống.

Ngọc Thanh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn