Triển khai Nghị quyết 98, Thủ tướng 'lệnh' phân cấp tối đa cho TP.HCM

Tin nóngThứ Bảy, 03/02/2024 13:54:05 +07:00
(VTC News) -

"Với các bộ ngành, tôi đề nghị phân cấp hết, đừng ôm vào làm gì, tôi nói rồi, cứ cơ chế xin cho lại tạo môi trường phát sinh tiêu cực", Thủ tướng nhấn mạnh.

Sáng 3/2, tại phiên họp lần 2 về tình hình thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Nghị quyết 98 và một số giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 đề nghị các bộ, ngành và TP.HCM báo cáo rõ tiến độ thực hiện và vướng mắc đang gặp phải.

"Vì sao chưa làm được, bao giờ làm?... Chúng ta nói thẳng đi, đừng nói vòng vo, mất thời gian nữa”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự phiên họp lần 2 của Ban Chỉ đạo Nghị quyết 98 tại TP.HCM. (Ảnh: Thy Huệ)

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự phiên họp lần 2 của Ban Chỉ đạo Nghị quyết 98 tại TP.HCM. (Ảnh: Thy Huệ)

Khi được Thủ tướng đề nghị nói rõ về việc xây dựng nghị định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP.HCM thay thế nghị định 93 năm 2021,Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết, hiện nay bộ này và UBND TP đã hoàn thành dự thảo nghị định gửi 13 bộ lấy ý kiến. Tuy nhiên đến nay có 6 bộ gồm Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường chưa có ý kiến.

Phản hồi ngay tại phiên họp, Thủ tướng cho biết với những quyền của Thủ tướng, ông sẽ phân cấp hết cho TP.HCM. Ông cũng đề nghị các bộ ngành phân cấp hết cho TP.HCM, bộ nào không phân cấp thì phải làm rõ.

"Với các bộ ngành, tôi đề nghị phân cấp hết, đừng ôm vào làm gì. Tôi nói rồi, cứ cơ chế xin cho lại tạo môi trường phát sinh tiêu cực. Rồi cứ xin xin, cho cho rồi lại thanh tra, kiểm tra, điều tra, lại mất cán bộ", Thủ tướng nhấn mạnh.

Báo cáo tới Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói, trong quá trình cụ thể hóa Nghị quyết 98, khi trao đổi giữa TP với các bộ ngành vẫn còn tâm lý "việc này mới chưa có quy định". Do đó, ông kiến nghị Thủ tướng có chỉ đạo thống nhất cách làm, vì đây là cái mới nên phải có cách tiếp cận mới.

Sắp tới, TP.HCM và Hà Nội sẽ phối hợp xây dựng đề án phát triển đường sắt đô thị đến năm 2035. TP.HCM dự kiến mất 3-5 năm chuẩn bị, 5-7 năm xây dựng dự án, đến năm 2035 cơ bản hoàn thành và có thể chậm 2-3 năm.

“Trước đây Vành đai 3 được trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 57/2023 là đã rất khác so với trước đây nhưng để làm 200km đường sắt đô thị thì phải khác hơn nữa, phải nhanh hơn”, Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp lần 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp lần 2.

Ông Mãi cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đề án Trung tâm tài chính quốc tế, nghị định phân cấp một số lĩnh vực cho TP.HCM, đề án thị trường tín chỉ carbon, điện mặt trời áp mái, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, vành đai 4…

Báo cáo kết quả 8 tháng thực hiện Nghị quyết 98, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến nay Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành nghị định quy định chi tiết việc bầu, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường của TP.HCM. Đồng thời, đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định về phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cho TP.HCM.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn Quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT và Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân liên quan đến các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của TP.

Bộ Công Thương đã dự thảo hồ sơ đề xuất xây dựng nghị định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công...

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn