Trẻ em bị xâm hại: Chưa thấy cấp ủy, chính quyền, cá nhân nào bị xử lý

Tin nhanh 24hThứ Tư, 27/05/2020 16:30:00 +07:00
(VTC News) -

ĐBQH chỉ ra việc chưa có cấp ủy, chính quyền, cơ quan, cá nhân nào bị xử lý khi để xảy ra tình trạng trẻ em ở địa bàn quản lý bị xâm hại.

Ngày 27/5, Quốc hội thảo luận về Kết quả báo cáo giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Đề cập đến nguyên nhân của những tồn tại, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) cho rằng, báo cáo kết quả giám sát chỉ ra 9 nhóm nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất được đưa lên hàng đầu là cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ở nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức và chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc phòng ngừa xâm hại trẻ em, thậm chí một số nơi còn coi nhẹ.

Theo đại biểu, báo cáo kết quả giám sát nêu rõ 49/63 tỉnh, thành phố có HĐND cấp tỉnh chưa ban hành nghị quyết chuyên đề chỉ đạo thực hiện nội dung này, chủ yếu lồng ghép vào nghị quyết chung về kinh tế - xã hội hoặc chậm ban hành nghị quyết này. Ông Vân cho rằng đây là "nguyên nhân của mọi nguyên nhân".

Một khi cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn chưa nhận thức đầy đủ thì làm sao nhân dân có thể nhận thức đầy đủ để phòng, chống xâm hại trẻ em”, đại biểu Vân nói.

Đề cập đến các nhóm giải pháp được Đoàn giám sát của Quốc hội đưa ra, đại biểu Nguyễn Hồng Vân nhận định đã rất toàn diện, kiến nghị từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đến các bộ, ngành, chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, đại biểu Vân cũng cho rằng nguyên nhân chính kể trên chưa được xử lý triệt để, chưa thấy cấp ủy, chính quyền, cơ quan, cá nhân nào bị xử lý khi xảy ra tình trạng trẻ em ở địa bàn quản lý bị xâm hại.

“Báo cáo đã đưa ra những sai phạm thì phải xử lý để nêu gương và răn đe, khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới”, đại biểu nhấn mạnh.

Trẻ em bị xâm hại: Chưa thấy cấp ủy, chính quyền, cá nhân nào bị xử lý - 1

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên).

Tham gia ý kiến trước Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, tình hình xâm hại trẻ em đang là vấn nạn để lại hậu quả nặng nề không chỉ cho bản thân người bị hại mà còn ảnh hưởng cả gia đình và xã hội, không những ở vùng nông thôn, miền núi vùng sâu vùng xa mà ngay cả địa bàn kinh tế, xã hội đang phát triển cũng xảy ra.

Theo đại biểu Hoà: “Những con số đau lòng sau đây cho thấy ‘mảng tối’ của công tác phòng chống xâm hại trẻ em là đáng báo động. Khi mỗi ngày trung bình có 7 trẻ em bị xâm hại, 1 năm có 38 trẻ em bị giết hại, 133 trẻ em bị thương tích, 1.286 trẻ em bị xâm hại và 84 trẻ em mang thai.

Qua thực tế cho thấy còn nhiều trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, chưa xử lý đầy đủ, nhất là các hành vi bạo lực gia đình xuất phát từ những người thân gây tổn hại về thể chất, tinh thần, sức khỏe cho trẻ em.

Công tác theo dõi thống kê chưa được đầy đủ, điều này phản ánh chưa đúng thực trạng trẻ em bị bạo hành và trách nhiệm của các ngành, các cấp về bảo vệ chăm sóc trẻ em không được quan tâm đúng mức".

 

Theo đại biểu Phạm Văn Hoà, đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau. Nhiều đối tượng có mối quan hệ với trẻ như người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm trên dưới 90%. Có đối tượng là giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục, cán bộ công chức viên chức người cao tuổi…

Phân tích, làm rõ những nguyên nhân của dẫn tới thực trạng đáng buồn trên, đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị các cấp các ngành đẩy mạnh đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại trẻ em và hậu quả của nó.

Cùng với đó, phải nâng cao hiệu quả công tác điều tra xét xử tội phạm xâm hại trẻ em, kết hợp với công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh. Vận động nhân dân tố giác kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em.

Đối với những người phạm tội cần phải xử lý nghiêm minh kịp thời, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, dành khung hình phạt cao nhất cho kẻ phạm tội trên các hành vi xâm hại trẻ em… 

Theo đại biểu Hoà, cần quy định trách nhiệm xử lý phải gắn trách nhiệm cá nhân với người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác phối hợp, nếu không, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em sẽ là hình thức, không cơ quan, tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm.

Video: Đề xuất thiến hóa học, gắn chíp tội phạm xâm hại trẻ em

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn