TP.HCM điều chỉnh dạng đề thi môn Ngữ văn tuyển sinh lớp 10

Tuyển sinhThứ Năm, 29/02/2024 17:47:14 +07:00

"Nghị luận văn học một trong hai câu ấn định một tác phẩm đã học trong chương trình để thí sinh viết, thay vì tự chọn", là phần thay đổi ở đề thi lớp 10 tại TP.HCM.

Theo đó, cấu trúc đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 tại TP.HCM năm nay không có gì thay đổi, gồm 3 phần: Đọc hiểu, nghị luận xã hội và Nghị luận văn học.

TP.HCM điều chỉnh dạng đề thi môn Ngữ văn tuyển sinh lớp 10 - 1

Tuy nhiên, phần nghị luận văn học có chút thay đổi. Học sinh vẫn được lựa chọn một trong hai đề để làm bài.

Đề 1 yêu cầu học sinh phân tích, cảm nhận 1 tác phẩm hoặc đoạn trích tác phẩm cụ thể có trong sách giáo khoa. Từ đó chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân mình hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra một vấn đề văn học hoặc cuộc sống. Trước đây học sinh được tự chọn tác phẩm để viết.

Còn đề 2 là đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình học để giải quyết tình huống. Học sinh được tự lựa chọn tác phẩm hoặc đoạn trích phù hợp. Trước đây đề 2 là đặt ra tình huống cụ thể và yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình học để giải quyết tình huống.

Phần đọc hiểu và nghị luận xã hội vẫn giữ nguyên hình thức như những năm trước. Cụ thể phần đọc hiểu là các văn bản có thể là văn bản nghị luận, thông tin, văn học, khoa học,..

Các văn bản này được lựa chọn từ  báo chí, các bài bình luận, các sách khoa học có nội phù hợp với lứa tuổi, gắn với tình hình thời sự để luyện tập các kĩ năng đọc hiểu, đưa ra quan điểm cá nhân về vấn đề đặt ra trong văn bản; sáng tạo cách thể hiện khác, đề xuất giải pháp, đặt nhan đề mới.

Các câu hỏi được tổ chức theo các mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng.

Phần viết bài nghị luận xã hội sẽ dài khoảng 500 chữ, yêu cầu học sinh cần tập phân tích, xác định đúng vấn đề, triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, rút ra bài học nhận thức và hành động.

Vũ Hường(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn