Tốt nghiệp tại nước ngoài, cử nhân y khoa phải học thêm văn bằng bổ sung để hành nghề ở Việt Nam

Giáo dụcThứ Bảy, 29/12/2018 07:49:00 +07:00

Bộ Y tế mới ban hành Thông tư quy định về đào tạo bổ sung cho với người có văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp, có nhu cầu đào tạo bổ sung để thực hành tại bệnh viện và đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề.

Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 42 /2018/TT-BYT quy định về đào tạo bổ sung đối với người có văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp.

Thông tư quy định đối tượng đào tạo bổ sung là công dân Việt Nam có văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp, được Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) công nhận,  tương đương trình độ đại học có nhu cầu đào tạo bổ sung để thực hành tại bệnh viện và đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Ngoài ra văn bản cũng nêu rõ, cơ sở đào tạo bổ sung phải là cơ sở giáo dục đang đào tạo trình độ đại học ngành tương ứng với ngành đào tạo bổ sung và đáp ứng các yêu cầu: Đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo quy định của Bộ GD&ĐT; có đủ các điều kiện mở ngành đào tạo theo quy định của Bộ GD&ĐT.

quy-dinh-cong-nhan-van-bang-ENXF

 Cử nhân y khoa tốt nghiệp ở nước ngoài phải học thêm văn bằng bổ sung để hành nghề ở Việt Nam

Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo phải có cơ sở thực hành đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Nghị định số 111/2017/NĐ-CP ngày 5/10/2017 của Chính phủ quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe và có ít nhất một khóa tốt nghiệp đúng ngành đào tạo bổ sung.

Người có văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp, tùy theo loại văn bằng mà được đăng ký học bổ sung 1 trong 3 ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt và Y học cổ truyền.

Thời gian đào tạo phụ thuộc vào khối lượng kiến thức tối thiểu và nội dung đào tạo. Đối với ngành Y khoa là 48 tín chỉ tương ứng với 18 tháng học tập trung. Ngành Răng Hàm Mặt là 40 tín chỉ tương ứng với 12 tháng học tập trung và ngành Y học cổ truyền là 40 tín chỉ tương ứng với 12 tháng học tập trung.

Người có nhu cầu đào tạo bổ sung phải thực hiện 2 bài kiểm tra đầu vào về kiến thức cơ sở ngành và kiến thức ngành/chuyên ngành; mỗi bài phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng từ 5 điểm trở lên theo thang điểm 10, mới được xét tuyển dưới hình thức trắc nghiệm 90 phút hoặc tự luận 120 phút.

Chỉ tiêu đào tạo bổ sung tại mỗi cơ sở hàng năm không vượt quá 20% chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trình độ đại học của ngành tương ứng trong năm học. Kinh phí đào tạo bổ sung do đối tượng đào tạo bổ sung tự chi trả.

Thông tư quy định về đào tạo bổ sung đối với người có văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3/2019.

Anh Thư
Bình luận
vtcnews.vn