Tổng kết 2 năm hoạt động Dự án 'Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp'

Sản phẩmThứ Hai, 17/09/2018 11:03:00 +07:00

Sáng 15/9, tại Hà Nội, Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp KHCN, Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ KHCN đã tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp - Hợp phần mô hình thí điểm NTBIC.

Tham dự buổi hội thảo có ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN; TS. Phạm Hương Sơn, Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ; bà Krista Verstraelen, Trưởng đại diện Cơ quan Phát triển Bỉ tại Việt Nam; TS. Nguyễn Hoàng Oanh, Phó Hiệu trưởng Đại học Việt Nhật; bà Nguyễn Thị Thúy Hiền, Điều phối viên Dự án BIPP cùng các đối tác khác của Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp KHCN.

a1

 Hội thảo cũng là dịp hội ngộ và tri ân các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp khởi nghiệp, các bạn trẻ đã hỗ trợ và cộng tác với Trung tâm trong suốt thời gian qua (Ảnh: Phan Minh)

Buổi hội thảo tổng kết dự án BIPP của Trung tâm cũng là dịp hội ngộ và tri ân các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các bạn trẻ đã hỗ trợ và cộng tác với Trung tâm trong suốt thời gian qua.

Ngày 22/6/2016, Ban quản lý Dự án BIPP, Cơ quan Hợp tác Phát triển Bỉ và Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp KHCN đã ký kết thỏa thuận tài trợ thực hiện dưới Dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp”.

Mục tiêu của Dự án là tạo điều kiện để phát triển thuận lợi cho các doanh nghiệp KHCN vừa và nhỏ cũng như thương mại hóa những KHCN tốt vào thị trường thông qua hoạt động ươm tạo bằng quá trình cung cấp quản lý cơ sở hạ tầng, các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, phát triển kinh doanh và các dịch vụ tài chính. Từ đó, đưa vào quá trình soạn thảo chính sách ươm tạo KHCN những bài học thực tiễn và các thực nghiệm tốt nhất.

a2

 Ông Trần Vũ Tuấn Phan, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp KHCN chia sẻ những kết quả Dự án đã đạt được cùng các khó khăn gặp phải và hướng đi của Trung tâm trong tương lai (Ảnh: Phan Minh)

Trải qua 2 năm, dự án đã thực hiện được rất nhiều hoạt động với những kết quả nhất định. Trung tâm đã tổ chức được 12 hội thảo về chuyển gia công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, hội thảo hợp tác quốc tế trong một số lĩnh vực: nông nghiệp, giao thông thông minh, laser… với hơn 600 lượt tham gia.

Trung tâm cũng đã tổ chức cuộc thi khởi nghiệp cho giới trẻ mang tên “Hành trình khởi nghiệp” nhằm khuyến khích phong trào khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên Việt Nam cũng như tìm kiếm, hỗ trợ, phát triển các ý tưởng khởi nghiệp ở mọi lĩnh vực và ươm tạo các ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm có thể thương mại hóa ra thị trường. Với 4 lần tổ chức từ năm 2015 đến 2018, đã có hơn 300 ý tưởng dự thi của các bạn trẻ trên khắp mọi miền đất nước.

Cơ sở dữ liệu cũng là hoạt động được Trung tâm chú ý, xây dựng với 24 nghìn chuyên gia trong nước; 9,7 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng 3,4 nghìn bằng phát minh, sáng chế. Các tài nguyên ươm tạo của Trung tâm rất đa dạng với nhiều video đào tạo dành cho đối tượng khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

3 3

 TS. Phạm Hương Sơn, Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Phan Minh)

Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức 25 sự kiện đào tạo bao gồm: Tư vấn và đào tạo về chuyển giao công nghệ, sản phẩm, sở hữu trí tuệ; xây dựng thương hiệu; quản trị tài chính; phát triển thị trường, mô hình kinh doanh và tiếp cận các nhà đầu tư… với hơn 50 chuyên gia tham gia tư vấn, đào tạo trên 1 nghìn lượt tham gia.

Cho đến nay, Trung tâm đã có hơn 30 khách hàng ươm tạo, trong đó, 2 doanh nghiệp đã tốt nghiệp, 9 đơn vị gọi được tài trợ và vốn nước ngoài. Tổng số vốn kêu gọi được gần 6 tỷ đồng. Trung tâm hợp tác với 6 tổ chức đầu tư, 50 doanh nghiệp, 8 trường đại học trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp KHCN cũng phát triển các nhóm nghiên cứu trong các lĩnh vực: Nguồn phát fiber laser và những công nghệ ứng dụng fiber laser; nghiên cứu, phát triển các chủng nấm dược liệu và các tác nhân vật lý hỗ trợ, tác động nấm dược liệu; nghiên cứu về thiết bị sensor nhận dạng người tiêu hao ít năng lượng; nghiên cứu về xử lý dữ liệu lớn trong giao thông vận tải và tiết kiệm nhiên liệu…

Các hoạt động ươm tạo này không chỉ diễn ra ở Hà Nội mà còn được tổ chức ở một số tỉnh thành như Bắc Giang, Quảng Ninh, Phú Yên. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động về hỗ trợ, ươm tạo và khởi nghiệp tại các tỉnh thành trên cả nước.

Tại hội thảo, TS. Phạm Hương Sơn khẳng định: “Là đơn vị trẻ nhất của Viện Ứng dụng Công nghệ, Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp KHCN đang từng bước hoàn thiện cũng như tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu ươm tạo. Cá nhân tôi và Viện Ứng dụng Công nghệ sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ Trung tâm phát triển, giúp ươm tạo được nhiều doanh nghiệp KHCN thành công”.

Phan Minh
Bình luận
vtcnews.vn