Tổng công ty Fico bị kết luận sai phạm gì trong quá trình cổ phần hóa?

Bất động sảnThứ Ba, 11/07/2023 10:36:15 +07:00
(VTC News) -

Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra nhiều vi phạm trong quá trình cổ phần hóa tại Tổng công ty Fico và công ty con của Fico.

Thanh tra Chính phủ vừa công bố Kết luận thanh tra về việc thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hoá, thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng.

Trong đó, kết luận thanh tra chỉ ra hàng loạt vi phạm của Tổng công ty Fico trong việc xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá.

Cụ thể, theo biên bản quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần (ngày 30/6/2016) của tổng công ty Fico, khoản tiền chênh lệch giữa giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần với giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là 77,97 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tổng công ty không nộp tiền đúng thời hạn, dẫn đến phát sinh khoản lãi chậm nộp phải thu hồi, tạm tính đến ngày 31/12/2019 là 31,68 tỷ đồng. Tổng số tiền gốc và khoản lãi chậm nộp phải thu nộp về ngân sách nhà nước đến ngày 31/12/2019 là 109, 65 tỷ đồng. 

Thanh tra Chính phủ nêu nhiều vi phạm trong cổ phần hóa tại Tổng công ty Fico. (Ảnh minh họa: Internet)

Thanh tra Chính phủ nêu nhiều vi phạm trong cổ phần hóa tại Tổng công ty Fico. (Ảnh minh họa: Internet)

Bên cạnh đó, trong trường hợp phần sở hữu riêng tại chung cư New Genaration (số 17 Hồ Hảo Hớn, phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM) do tổng công ty Fico đang quản lý, sử dụng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì khoản tiền tạm tính 8,34 tỷ đồng phải được ghi tăng vốn nhà nước của doanh nghiệp thời điểm cổ phần hoá.

Tại tổng công ty Fico, Bộ xây dựng phê duyệt giá trị doanh nghiệp khi xử lý tài chính bàn giao sang công ty cổ phẩn, tổng công ty đã ghi nhận thiếu nợ phải thu từ khoản lãi vay số tiền 6,44 tỷ đồng làm giảm giá trị doanh nghiệp. Theo quy định, số tiền này phải ghi tăng giá trị vốn nhà nước tại Fico thời điểm cổ phần hoá.

Trong xác định giá trị doanh nghiệp, định giá cổ phần của Tafico (Công ty con của tổng công ty Fico) khi phát hành tăng vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu tại Tafico do Công ty tư vấn CPA VNC&V xác định không chính xác, không đúng quy định. Cụ thể, kiểm kê thiếu giá trị vốn bằng tiền 2,42 tỷ đồng; chưa đánh giá 7 tài sản cố định vô hình có giá trị nguyên giá 9,2 tỷ đồng đang sử dụng bình thường; một số khoản công nợ phải trả chưa được đối chiếu theo quy định là 612 triệu đồng…

Ghi nhận chưa chính xác việc kiểm kê, đánh giá hiện trạng một số tài sản giữa sổ sách và thực tế (chọn mẫu 20 loại tài sản, trong đó có: Hệ thống điện hạ thế và chiếu sáng công cộng Khu nhà ở CBCNV; Trạm điện và đường dây điện 22KW; Hệ thống thoát nước từ mốc 1 đến suối; Hệ thống cung cấp điện cho Trạm xử lý nước; Hệ thống thông tin liên lạc; khu công viên cây xanh cảng Fico; si lô xi măng 1, 2; lò quay; tháp trao đổi nhiệt; si lô clinke)... 

Việc tổ chức kiểm kê, đánh giá hiện trạng, định giá tài sản chưa chính xác như trên ảnh hưởng làm giảm giá trị doanh nghiệp của Tafico, ảnh hưởng đến việc xác định giá khởi điểm của cổ phần để tổ chức đấu giá quyền mua cổ phần của tổng công ty Fico tại Tafico”, kết luận thanh tra nêu rõ.

Cũng theo kết luận này, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính của nhiều "ông lớn" ngành xây dựng.

Cụ thể, về xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, thanh tra Chính phủ cho biết, tại một số tổng công ty còn tình trạng nhiều khoản công nợ phải thu, phải trả chưa hoàn thành việc đối chiếu, xác nhận, lên tới hơn 5.690 tỷ đồng. 

Đáng chú ý một số công ty như: Sông Đà, Licogi, Fico, Lilama, Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen), VNCC bị xác định giá trị doanh nghiệp không đầy đủ, không chính xác, không đúng quy định, thiếu khoản lãi tiền gửi, giá trị thương hiệu, khấu hao công cụ dụng cụ, xoá khoản nợ không đúng quy định…với tổng số tiền là 23,3 tỷ đồng. 

Các doanh nghiệp như Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty Licogi (Licogi), Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen) khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa đã tính toán giá trị lợi thế thương mại, chi phí cơ hội chưa đầy đủ, chính xác, với tổng số tiền thiếu khoảng 1.879 tỷ đồng.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn