Tổ chức lễ tang cấp nhà nước nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng

Chính trịThứ Sáu, 19/02/2021 19:11:34 +07:00
(VTC News) -

Lễ tang nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng được tổ chức từ 21-22/2 theo nghi thức cấp Nhà nước.

Ngày 19/2, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình tại cuộc họp phân công, tổ chức phục vụ lễ tang nguyên phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng.

Theo đó, thời gian tổ chức lễ viếng nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng từ 8h đến 19h ngày 21/2 tại Hội trường lớn UBND tỉnh Bến Tre; lễ truy điệu từ 9h ngày 22/2 và lễ an táng từ 11h ngày 22/2 tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Bến Tre.

Phó Thủ tướng Thường trực phân công UBND tỉnh Bến Tre chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng và các Bộ ngành liên quan tổ chức lễ tang nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng theo nghi thức cấp Nhà nước.

UBND tỉnh Bến Tre chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng; xây dựng kế hoạch, chương trình, kịch bản chi tiết tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng; sắp xếp, giới thiệu các đoàn vào viếng...

Tổ chức lễ tang cấp nhà nước nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng  - 1

Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng.

Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng từ trần vào hồi 3h25 ngày 19/2, tại nhà riêng ở ấp Lương Thuận, xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ông hưởng thọ 79 tuổi.
Ông Trương Vĩnh Trọng (tên thường gọi ông Hai Nghĩa) sinh năm 1942 ở xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Từ năm 1960, ông bắt đầu hoạt động bí mật trong phong trào học sinh chống chế độ Ngô Đình Diệm.

Năm 1962, ông thoát ly gia đình, tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và công tác ở Tiểu ban Giáo dục tỉnh Bến Tre. Đến tháng 10/1964, ông được kết nạp vào Đảng Nhân dân Cách mạng Miền Nam Việt Nam và được đề bạt làm Ủy viên Tiểu ban giáo dục. Sau đó, được bầu Tỉnh ủy viên phụ trách khối Tuyên huấn tỉnh.

Năm 1968, ông Trương Vĩnh Trọng được cử làm Ủy viên Ban Tuyên huấn tỉnh Bến Tre. Sau đó, ông được cử đi học Trường Tuyên huấn miền Nam.

Năm 1975, ông Trọng được cử ra Bắc, theo học Trường Tuyên huấn Trung ương ở Hà Nội.

Năm 1978, ông được bầu vào Tỉnh ủy Bến Tre, giữ nhiệm vụ Phó ban Tuyên huấn tỉnh.

Năm 1982, ông đắc cử vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy và được phân công làm Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm. Trong thời gian này, ông được đi học lớp bồi dưỡng Bí thư Huyện ủy ở Trường Đảng Cao cấp Matxcơva (Liên Xô).

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VI (1986), ông Trương Vĩnh Trọng được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VII (1991), ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Năm 1998, ông được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương.

Tháng 7/2000, ông được Bộ Chính trị điều động tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp và được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp.

Năm 2001, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ IX, ông tái đắc cử Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng, được phân công giữ chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Năm 2006, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần X, ông tái đắc cử Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Tháng 6/2006, ông được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tháng 8/2011, ông được Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ về nghỉ chế độ.

Ông là Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, XI và XII.

Ngoài ra, ông còn được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng có giá trị như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất.

THÁI BÌNH
Bình luận
vtcnews.vn