Tỉnh miền núi đắt đỏ hơn Thủ đô, ĐBQH Lai Châu lý giải

Kinh tếThứ Tư, 30/03/2016 04:30:00 +07:00

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Bùi Đức Thụ (Đoàn đại biểu tỉnh Lai Châu) cho biết ông không ngạc nhiên khi Lai Châu đắt đỏ hơn Hà Nội, TP HCM

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Bùi Đức Thụ (Đoàn đại biểu tỉnh Lai Châu) cho biết ông không ngạc nhiên khi Lai Châu "vượt mặt" Hà Nội, TP HCM về chi phí sống.

Ông Thụ chỉ ra, việc mất cân đối lớn trong cung - cầu hàng hoá là nguyên do khiến Lai Châu dù là tỉnh nghèo nhưng lại là nơi có chi phí sống đắt đỏ nhất cả nước.

Theo ông, không phải tới khi Tổng cục Thống kê công bố báo cáo của mình thì Lai Châu mới được biết tới là tỉnh có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất cả nước. Đây là thực tế diễn ra từ nhiều năm qua.

Dù là tỉnh nghèo, thu nhập người dân thấp nhưng từ giá hàng hoá thực phẩm, rau xanh đến hàng tiêu dùng.... tại Lai Châu đều đắt hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành khác, đặc biệt là vùng đồng bằng.

"Chúng tôi rất trăn trở về điều này và đã không ít lần phản ánh thực tế tại nhiều diễn đàn, trên cả nghị trường Quốc hội...", đại biểu này bày tỏ.

ĐBQH Bùi Đức Thụ (Đoàn đại biểu tỉnh Lai Châu). Ảnh: Anh Minh.  
- Theo ông, điều gì khiến Lai Châu là tỉnh nghèo nhưng là nơi có chi phí sống đắt đỏ nhất nước?

Đó là do cung nhỏ hơn cầu đã đẩy mặt bằng giá cả lên cao. Hiện hàng hoá sản xuất trên địa bàn tỉnh Lai Châu có hạn. Lai Châu lại là tỉnh miền núi, địa hình cao, chia cắt không phù hợp phát triển chăn nuôi. Trông chờ vào trồng trọt cũng hạn chế vì diện tích đất cho nông nghiệp thấp, chủ yếu là đồi núi....

Mọi hàng hoá nhu yếu phẩm phục vụ đời sống người dân Lai Châu chủ yếu đều được thương lái vận chuyển từ các tỉnh lân cận lên để tiêu thụ. Vì vậy, chi phí thương mại, chi phí luân chuyển hàng hoá... đều được thương lái cộng dồn vào chi phí bán hàng, đẩy giá cả hàng hoá lên cao. Vậy nên, mua một mớ rau ở Lai Châu đắt hơn Hà Nội 3-4 lần.

- Như ông nói, thực tế này diễn ra tại Lai Châu từ nhiều năm nay nhưng dường như chính quyền địa phương cũng “bó tay”?


- Không phải vậy! Tình trạng này đã được chúng tôi – những ĐBQH “kêu” rất nhiều trên nhiều diễn đàn, trên cả nghị trường Quốc hội. Chính quyền địa phương cũng đã tích cực vào cuộc, nhưng đúng là tình hình chưa được cải thiện là mấy. Địa phương cũng có cái khó của mình.

- Cụ thể những “cái khó” mà Lai Châu đang vấp phải là gì, thưa ông?


Thu ngân sách của Lai Châu hiện rất thấp, gần như là thấp nhất trong tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Năm 2015, tổng thu ngân sách Nhà nước của tỉnh chỉ khoảng 1.000 tỷ đồng, nhưng chi ngân sách lên tới 7.000 – 8.000 tỷ đồng.

Tất nhiên khi khoản chi gấp 7-8 lần thu thì ngân sách trung ương phải bù cho địa phương là không ít. Điều này đã ảnh hưởng phần nào tới các suất đầu tư của tỉnh vào các dự án đầu tư trọng điểm.

Nhưng các khoản chi ngân sách lớn là do Lai Châu thực hiện các chế độ giảm nghèo, ưu đãi đầu tư... Các khoản chi này không tác động nhiều tới cung - cầu hàng hoá.

Tổng cầu của một tỉnh, thành không chỉ có chi tiêu Nhà nước mà gồm cả đầu tư tư nhân, chi tiêu dùng của người dân... nên chi tiêu Nhà nước chỉ là một phần cấu thành thôi.

Chi phí sinh hoạt tại Lai Châu đắt đỏ nhất cả nước là thực tế diễn ra từ nhiều năm qua. Ảnh minh họa: Lê Hiếu. 
Vài năm tới, thu ngân sách của Lai Châu chắc chắn sẽ cải thiện hơn khi thuỷ điện Lai Châu đưa vào vận hành. Nguyên khoản thuế VAT 10% thu từ nhà máy này, chưa kể thu thuế tài nguyên nước... sẽ đem lại nguồn thu đáng kể cho Lai Châu.

Ngoài ra, khi tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai lên thành phố hoàn thành không những sẽ thu hẹp khoảng cách Hà Nội – Lai Châu và nguồn thu ngân sách của tỉnh cũng sẽ tăng lên.

- Nghĩa là trong khi vốn địa phương có hạn, Lai Châu muốn cải thiện tình hình thì vẫn phải trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước?

Tất nhiên, trong khi chờ đợi các nguồn thu này trong tương lai thì Lai Châu vẫn phải chờ sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Có điều, chúng tôi không kỳ vọng sự bao cấp của Nhà nước, vì bao cấp chỉ là nhất thời. Kinh tế đã vận hành theo thị trường thì phải tuân theo quy luật thị trường và cung - cầu. Vì thế, căn cơ nhất với tỉnh lúc này và trong tương lai vẫn phải là giải pháp điều tiết cân đối cung - cầu mới mong giá cả chi tiêu bớt đắt đỏ.

Và để cân đối cung - cầu thì có rất nhiều giải pháp đã được “vạch” ra và chính quyền địa phương cũng đang thực hiện loạt giải pháp này.

Trước tiên là phải tập trung phát triển kinh tế xã hội. Nếu kinh tế xã hội của Lai Châu không phát triển thì nguy cơ khoảng cách, cách biệt giữa chúng tôi và các tỉnh, thành phố khác sẽ càng giãn ra; tạo thành cản trở xã hội, đe doạ phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước. Không phát triển kinh tế, đời sống người dân không cải thiện, niềm tin vào Nhà nước sụt giảm.

Bên cạnh đó, Lai Châu lại là tỉnh có đường biên giới dài giáp Trung Quốc, nếu không đầu tư phát triển kinh tế tại chỗ thì khả năng quốc phòng tại chỗ hạn chế. Điều này đòi hỏi Nhà nước quan tâm đầu tư để thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.

Thêm nữa, ngoài ưu tiên phát triển thì cũng cần có chính sách điều hoà, đẩy mạnh lưu thông hàng hoá giữa các vùng, đưa hàng từ nơi nguồn cung lớn tới thẳng nơi có nhu cầu lớn, như Lai Châu để đáp ứng đời sống người dân.

Phát triển hạ tầng giao thông cũng là giải pháp then chốt. Giao thông phát triển được chính là mạch máu trong nền kinh tế, san bằng chênh lệch giá cả giữa các vùng miền. Tiếc là hiện phát triển giao thông tại Lai Châu rất thấp.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Zing
Bình luận
vtcnews.vn