Thủ tướng: Tất cả lao động và người phụ thuộc cần có 'lưới' an sinh

Tin nóngThứ Bảy, 15/02/2020 13:10:00 +07:00
(VTC News) -

Thủ tướng nhấn mạnh độ bao phủ của bảo hiểm xã hội phải rộng khắp hơn, hay cụ thể là tất cả người lao động và những người phụ thuộc cần phải có "lưới" an sinh.

Sáng 15/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT); các giải pháp triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW và nhiệm vụ công tác năm 2020 của BHXH Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nhìn nhận, qua 25 năm hình thành và phát triển, BHXH đóng vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ, đã đóng góp để mang lại những thành quả đáng khích lệ được cộng đồng quốc tế công nhận.

Năm 2019, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng trên 2.800 USD, thuộc nhóm nước thu nhập trung bình thấp trên thế giới nhưng tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đạt trên 73,6 tuổi, thuộc nhóm cao của thế giới.

Tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều còn dưới 4%. Các chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam có nhiều tiến bộ, thuộc nhóm trung bình cao trong tổng số 189 quốc gia.

Thủ tướng: Tất cả lao động và người phụ thuộc cần có 'lưới' an sinh - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP)

Theo Thủ tướng, hệ thống pháp luật về BHXH, BHYT ngày càng đồng bộ, phù hợp với tình hình đất nước và thông lệ quốc tế, bởi “ngành lớn như thế này mà không có một hệ thống thể chế tốt thì không phải đơn giản mà hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Mô hình tổ chức được cải cách, tinh gọn bộ máy. Diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng.

Tính đến hết năm 2019, số người tham gia BHYT đạt gần 86 triệu (chiếm 90% dân số). Với tỷ lệ này, Việt Nam cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21, còn so với một số quốc gia phát triển trên thế giới thì để đạt mục tiêu BHYT toàn dân nói trên phải mất từ 40 đến 80 năm.

Số lượng người thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT không ngừng tăng, bình quân mỗi năm có hàng chục triệu lượt người hưởng chế độ BHXH, hàng trăm triệu lượt người hưởng chế độ BHYT.

BHXH Việt Nam đã cắt giảm 3/4 số thủ tục hành chính (giảm từ 263 xuống 27 thủ tục); xây dựng cơ sở dữ liệu và cấp mã BHXH cho 97 triệu dân, đặc biệt là hệ thống giám định BHYT điện tử đã kết nối 100% cơ sở khám chữa bệnh.

“Chăm lo đời sống, sức khỏe và sự thịnh vượng ấm no của người dân là sự nghiệp lâu dài của Đảng và Nhà nước ta. Mục tiêu xuyên suốt là phải có một hệ thống an sinh xã hội hướng tới toàn dân, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, tạo ra một mạng lưới an toàn gồm nhiều tầng, nhiều lớp bảo vệ cho tất cả thành viên cộng đồng xã hội”, Thủ tướng nói.  

Chúng ta đang tập trung phát triển kinh tế với đích cuối cùng là lo đời sống cho người dân. Để trở thành lưới an sinh xã hội trọng yếu gắn với mục tiêu, định hướng XHCN, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội thì độ bao phủ của BHXH phải rộng khắp hơn hay cụ thể là tất cả người lao động và những người phụ thuộc cần phải có lưới an sinh.

Với chưa đến 1/3 số người lao động tham gia BHXH hiện nay thì đích đến còn xa, do vậy, những nỗ lực cần phải cao hơn. Theo Nghị quyết 28 của Trung ương thì tỷ lệ bao phủ BHXH phải đạt 35% dân số vào cuối năm 2021 và 45% vào cuối năm 2025, tỷ lệ bảo hiểm thất nghiệp là 28% vào năm 2021, 25% vào năm 2025.

Thủ tướng: Tất cả lao động và người phụ thuộc cần có 'lưới' an sinh - 2

Hội nghị đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT); các giải pháp triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW và nhiệm vụ công tác năm 2020 của BHXH Việt Nam. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần phải có giải pháp mới, sáng tạo, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Chính sách an sinh xã hội cần phải ứng dụng công nghệ số để được quản lý thống nhất, bảo đảm hiệu quả, giảm chi phí thường xuyên cho bộ máy tổ chức.

Cần triệt để giải quyết tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, tình trạng trốn đóng BHXH. 

Nêu một số thách thức đối với BHXH, Thủ tướng lấy ví dụ về trường hợp dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp. Cho dù gần như toàn bộ người dân đã có BHYT nhưng diện bao phủ các dịch vụ còn thấp với mức chi phí trả còn khá hạn chế.

Trong khi đó, ngoài việc người dân được tiêm phòng cúm hằng năm sẽ làm tăng khả năng đề kháng, giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm cúm cho mỗi người và giảm gánh nặng cho xã hội. Tuy nhiên, BHYT hiện đại gần như chưa có khả năng trang trải những chi phí dạng này. Đây là điều đáng quan tâm.

Bộ Tài chính đang quản lý hơn 30 công ty kinh doanh bảo hiểm, có những hãng rất lớn, thu lợi nhuận cũng rất lớn. Các công ty này chỉ báo cáo kết quả lên Bộ Tài chính trên phương diện tài chính mà không báo cáo BHXH Việt Nam về đối tượng mua BHYT.

Việc này cần khắc phục vì không chỉ lợi nhuận của các hãng bảo hiểm mà còn phải đóng góp cho đời sống người dân, an sinh xã hội. "Những quỹ bảo hiểm này đóng góp như thế nào trong trường hợp dịch Covid-19 này", Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng đề nghị BHXH, các bộ, ngành liên quan tiếp tục quán triệt sâu sắc những quan điểm lớn trong Nghị quyết 28 của Trung ương về chính sách BHXH.

Đó là BHXH Việt Nam là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại hội nhập quốc tế; huy động nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp