‘Tìm con át chủ bài cho phát triển nông nghiệp để đề xuất Thủ tướng’

Kinh tếThứ Ba, 05/06/2018 16:03:00 +07:00

Nếu phải xác định một yếu tố có tính quyết định để tạo ra đột phá cho sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam thì đó sẽ là gì, đây là vấn đề chính được đặt ra cho nhiều chuyên gia.

Cần nâng cao năng lực về thông tin thị trường

Sáng 5/6, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần đầu tiên về chuyên đề nông nghiệp: “Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt” do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Chính phủ (Ban IV) tổ chức, mở màn cho các chuỗi diễn đàn chuyên ngành.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, cho rằng, kinh tế tư nhân đang góp phần đắc lực vào tăng trưởng và phát triển của nông nghiệp Việt Nam. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu chưa giải quyết được như chưa có chuỗi liên kết sâu, chưa xử lý được các bất cập về vật tư đầu vào, chất lượng nông sản, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào nông nghiệp, xây dựng thương hiệu...

kinhtetunhan

Tại diễn đàn quan trọng này, hàng loạt chuyên gia kinh tế thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ hành chính của Thủ tướng đã cùng thảo luận, bàn bạc về việc làm thế nào để giải quyết bài toán mở rộng thị trường cho nông sản Việt.

Nhấn mạnh đây là diễn đàn tư vấn chính sách để Chính phủ có các giải pháp, quyết sách đúng đắn cho nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, ông Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ ngành có liên quan tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính có liên quan đến nông nghiệp - nông thôn và phát triển thị trường nông sản theo như cam kết với Chính phủ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp muốn đầu tư cũng như đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.

Mở đầu phiên thảo luận của diễn đàn, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đặt vấn đề: “Đây là diễn đàn mà chúng ta đi tìm con át chủ bài cho phát triển nông nghiệp để đề xuất Thủ tướng. Vậy nếu phải xác định một yếu tố có tính quyết định như là con át chủ bài để tạo ra đột phá cho sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam, thì con át chủ bài đó là gì?”

Theo ông Trương Gia Bình, nói về những lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp ở Việt Nam thì đã có nhiều phân tích rồi, nghiên cứu rồi, nhưng thực tế là ngành nông nghiệp vẫn chưa phát triển xứng tầm, vẫn còn tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thị trường không ổn định, nông sản không có đầu ra... Điều này đòi hỏi Việt Nam cần phải tìm ra yếu tố có tính đột phá và quyết định nhất để tạo đà cho ngành này phát triển.

Đóng góp ý kiến tại diễn đàn, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn cho rằng, để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ cả giải pháp ngắn hạn cũng như dài hạn.

“Về giải pháp ngắn hạn, tôi cho rằng chúng ta cần phải thành lập được trung tâm cung cấp thông tin về thị trường. Bởi có như vậy thì người sản xuất mới biết được thị trường cần gì, ở đâu cần để họ điều chính sản xuất.

Nhưng về dài hạn, cần phải đi vào sản xuất tập trung theo chuỗi, xóa bỏ sản xuất nhỏ lẻ. Phải phân cấp phân quyền cho người dân rõ ràng hơn. Tôi lấy ví dụ như ngày xưa có mô hình sản xuất hợp tác xã nông nghiệp, khi đó làm gì có chuyện phải “giải cứu” nông sản như hiện nay, bởi sản xuất đều theo kế hoạch, người dân hoàn toàn tự làm chủ khâu sản xuất đến khâu đầu ra để tiêu thụ”, TS Đặng Kim Sơn nói.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao cũng cho rằng điểm yếu của sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay chính là thiếu thông tin thị trường.

“Tôi sang châu Âu, đối tác họ nói với tôi là Việt Nam mất hàng mấy năm trời chỉ để đi đàm phán sao cho quả vải của Việt Nam có thể xuất khẩu vào thị trường họ. Thực ra theo họ điều này rất đơn giản, chỉ cần Việt Nam chuẩn hóa sản phẩm, rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo an toàn và có hệ thống thông tin thì tự khắc thị trường họ có nhu cầu thì họ sẽ nhập thôi”, bà Hạnh dẫn chứng.

Video: Bí kíp đưa trái vải Việt 'đi Tây' của nông dân Bắc Giang

Công nghệ là “điểm đột phá”

Trong khi đó, ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch HĐQT Lina Network cho rằng, công nghệ chính là yếu tố sẽ tạo ra đôt phát cho phát triển nông nghiệp.

Ông Ca phân tích: “Hiện nay rất phổ biến là luôn rơi vào vòng xoáy được mùa nhưng mất giá, hoặc mất mùa và mất luôn cả giá, cuối cùng lại phải tập trung hô hào toàn quân, toàn dân “giải cứu” nông sản. Đây là điều phản ánh chúng ta chưa đáp ứng được thị trường, chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề.

Lợi thế của chúng ta ở đây là về điều kiện về địa lí, chính sách, con người... Nhưng nếu đưa ra đề xuất một điểm đối với Chính phủ trong phát triển nông nghiệp thì tôi xin phép là chúng ta nên đề xuất về công nghệ.

Bởi chúng ta có lợi thế về thổ nhưỡng địa lí, khí hậu, con người là điều tuyệt vời rồi, bây giờ nếu chúng ta ứng dụng được công nghệ thì sẽ giải quyết được bài toán nông nghiệp”.

"Hiện nay trên thế giới có công nghệ blockchain, nó có thể thay thế, tác động đến xã hội trong những năm tới. Nền tảng công nghệ là nền tảng về toán. Mà trong 41 kì thi Olympic quốc tế, chúng ta có 59 huy chương vàng và 13 lần lọt vào top 5 của thế giới. Cuộc chơi về công nghệ này thì không thể thiếu nền tảng toán học. Trong công nghệ này, tham gia cuộc chơi ban đầu đều như nhau, trong khi đó chúng ta lại có sẵn nền tảng tri thức, con người thông minh, chịu khó...”, ông Ca cho biết.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng yếu tố thông tin thị trường và ứng dụng công nghệ cho khâu sản xuất, chế biến và lưu trữ trước khi xuất khẩu là rất quan trọng.

Ông Toản nêu dẫn chứng: “Tôi lấy ví dụ như trường hợp về vải, thanh long, dưa hấu hay củ cải như vừa qua, tại sao lại phải “giải cứu”, nguyên nhân là do đâu ngoài nguyên nhân bị ép giá và thiếu đầu ra?

Thực ra nếu nhìn vấn đề rộng hơn thì chúng ta sẽ thấy rằng đây là những nông sản có đặc thù là vào vụ thu hoạch rất nhanh, chỉ thu hoạch dồn dập trong một thời gian ngắn, sản phẩm lại khó bảo quản lâu. Bởi thế khi thu hoạch ồ ạt thì giá dễ bị rớt, bị chèn ép bởi nếu không bán nhanh thì sẽ bị hư thối.

Vậy khâu yếu nhất của ta ở đây chính là khâu lưu trữ. Giả sử chúng ta có hệ thống công nghệ bảo quản tốt, có kho lạnh lưu trữ thì nông dân đâu có bị ép giá và đâu cần “giải cứu” nông sản như vừa qua...”.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng (gọi tắt là Ban IV) có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, tham mưu cho Thủ tướng một số nội dung trọng tâm để phát triển kinh tế tư nhân gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt tập trung vào một số ngành mũi nhọn.

Trong năm 2018, Ban IV sẽ vận hành lần đầu tiên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam để thúc đẩy hiệu quả các kênh đối thoại công - tư cùng các thảo luận bàn tròn về chiến lược kinh tế vĩ mô.

Mục tiêu của các diễn đàn là giúp Chính phủ, Thủ tướng và các bộ ngành, địa phương, khu vực kinh tế tư nhân có sự tập trung cao nhất về nguồn lực để hoạch định các chiến lược, chính sách kinh tế cũng như theo dõi, đánh giá thường xuyên hiệu quả thực thi.

Phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ do Thủ tướng trực tiếp đối thoại cùng khu vực kinh tế tư nhân và các bên liên quan dự kiến diễn ra vào tháng 12/2018.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn